Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã nhấn mạnh như trên tại Hội nghị khoa học công nghệ sinh học toàn quốc 2013 được Bộ KH&CN phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức ngày 27/9, tại Hà Nội.
Hội nghị khoa học công nghệ sinh học toàn quốc 2013 nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học thông báo và chia sẻ các kết quả nghiên cứu khoa học của mình với các đồng nghiệp, đồng thời là cơ hội để các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu nhìn lại những thành tựu nghiên cứu của lĩnh vực công nghệ sinh học trong giai đoạn 5 năm vừa qua, qua đó có cái nhìn bao quát về tình hình nghiên cứu của các trường và viện nghiên cứu trên toàn quốc trong lĩnh vực này.
Nhiều lĩnh vực công nghệ sinh học đã có tính ứng dụng cao và phổ biến trong đời sống xã hội như ứng dụng sinh học phân tử trong chọn giống cây trồng, vật nuôi, trong giải mã hệ gen (genome) lúa, trong xác định ADN để tìm hài cốt liệt sĩ, xác định các thể người phục vụ an ninh; trong nhân nhanh giống cây trồng bằng công nghệ invitro, trong cấy truyền phôi gia súc, trong chẩn đoán các bệnh lạ như vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh lùn lụi lúa, bệnh cúm A/H5N1, A/H1N1, A/H7N9…, trong ứng dụng công nghệ tế bào gốc để điều trị một số bệnh “nan y”, trong chế tạo nhiều loại chế phẩm, sinh phẩm có hoạt lực tốt phục vụ cho ngành nông nghiệp, y tế, môi trường.
Công nghệ sinh học đóng góp thiết thực và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng công nghệ sinh học đã và đang làm thay đổi thế giới. Chính vì vậy mà nhiều tổ chức và chuyên gia trên thế giới đã khẳng định thế kỷ 21 là thế kỷ của công nghệ sinh học. Bộ trưởng nhấn mạnh, công tác truyền thông có vai trò quan trọng nhằm thay đổi nhận thức, tư duy của các cấp lãnh đạo, quản lý và nhân dân để đưa các kết quả nghiên cứu KH&CN đến với doanh nghiệp và xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Hội nghị được chia thành 6 tiểu ban chuyên môn: công nghệ gene, công nghệ enzyme và hoá sinh, công nghệ sinh học - dược, công nghệ sinh học vi sinh (vi sinh nông nghiệp, vi sinh công nghiệp thực phẩm và vi sinh môi trường), công nghệ sinh học thực vật và công nghệ sinh học động vật. Thông qua 6 tiểu ban, các nhà khoa học sẽ tập trung thảo luận các thành tựu mà ngành công nghệ sinh học Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua và cùng nhau định hướng những hướng đi mới trong tương lai của ngành công nghệ sinh học.