Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
(4/10/2013) Đổi mới thể chế về tổ chức thực hiện trong đầu tư xây dựng
Cập nhật: 04-10-2013 04:45
Đây là ý kiến của ông Trịnh Đình Dũng – Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có ý kiến tại Hội thảo Luật Xây dựng sửa đổi nhằm thực hành tiết kiệm chống thất thoát lãng phí; ngăn chặn đẩy lùi nạn tham ô tham nhũng trong đầu tư xây dựng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức sáng 27/9/2013.

Mục đích của Hội thảo là thu thập các ý kiến tâm huyết, có giá trị để trình Quốc hội (bàn về Luật Xây dựng sửa đổi kế thừa và phát huy những quy định của Luật 2003).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, mặc dù chúng ta đã xây dựng rất nhiều luật, cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều biện pháp tăng cường quản lý. Nhưng điều đáng lo ngại là hiệu quả  đầu tư xây dựng kém hiệu quả thể hiện chỉ số ICOR rất cao; do đầu tư xây dựng dàn trải, nhiều công trình chất lượng kém, thời gian kéo dài, lãng phí thất thoát còn rất lớn trong đó có một nguyên nhân quan trọng là do các quy định pháp luật trông các luật liên quan đến đầu tư xây dựng “còn chồng chéo, mâu thuẫn, không thống nhất”, nhiều quy định không phù hợp với thực tiễn, thủ tục đầu tư nặng cơ chế xin – cho, thiếu công khai minh bạch, quy định phân cấp quản lý đầu tư còn chưa phù hợp, thiếu cơ chế kiểm soát, quản lý nhà nước thiếu hiệu quả, chế tài và thực hiện chế tài không nghiêm dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, đặc biệt là từ nguồn vốn nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế và hiệu quả xã hội. Do vậy việc sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng và một số luật liên quan là việc làm cần thiết cấp bách.
 tong hoi xay dung 1.JPG
Ông Trịnh Đình Dũng – Bộ trưởng Bộ Xây dựng
Theo ý kiến của ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trong Luật Xây dựng sửa đổi cần bổ sung tại khoản 12 Điều 3 ghi rõ “Chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân sở hữu vốn hoặc người được ủy quyền chủ sở hữu vốn hoặc người vay vốn và trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng”. Như vậy đối với vốn nhà nước có thể là người được giao trực tiếp quản lý sử dụng sau này đồng thời được giao là chủ sở hữu vốn và cũng có thể là một tổ chức trung gian được ủy quyền sở hữu vốn tiến hành hoạt động đầu tư xây dựng.
Tại Điều 53 khoản 2 đã giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực. Ở đây cần làm rõ hơn, nếu theo Điều 53 thì trường hợp người trực tiếp quản lý sử dụng sau này có còn được giao làm chủ đầu tư nữa hay không hay là tập trung vào các Ban quản lý dự án, vì vậy đối với một số dự án, đầu tư xây dựng mà năng lực của đơn vị quản lý sử dụng đảm bảo vẫn được giao làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư vẫn là đơn vị khai thác sử dụng sau này, nếu năng lực chủ đầu tư không đủ để thành lập Ban quản lý dự án thì người quyết định đầu tư quyết định ngay từ đầu phải thuê tư vấn quản lý dự án.
Về quản lý chất lượng công trình, theo ông Hùng thì do dự án đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn vốn khác nhau, số lượng dự án triển khai rất lớn. Vì vậy việc phân cấp quản lý chất lượng của cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể cần được phân công trách nhiệm rõ ràng.
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm – Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội, tại chương II về quy hoạch xây dựng, có ý kiến cho rằng không cần chương này, nhưng theo tôi thì đây là chương rất cần cho hoạt động xây dựng trong Luật Xây dựng sửa đổi để giải quyết tồn tại của hệ thống quy hoạch hiện nay. Xét đến cùng thì quy hoạch xây dựng là quy hoạc cơ bản để tạo nên kết cấu hạ tầng, là phương án phát triển và tổ chức không gian để phát triển kinh tế - xã hội cho một thời kỳ nhất định. Đây là vấn đề cần được quy định, thể chế. Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020 với quan điểm phát triển nhanh gắn với bền vững và đã có Nghị quyết về đổi mới công tác quy hoạch – kế hoạch. Chất lượng quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch là giải pháp quan trọng, là bước đi đầu cần đổi mới. Hiện nay chúng ta đã có Luật Quy hoạch Đô thị nhưng phạm vi áp dụng chỉ là cho đô thị và cũng có một số quy định cần điều chỉnh, còn xây dựng nông thôn mới, quy hoạch xây dựng các khu chức năng ngoài đô thị cần được bổ sung thể chế hóa trong Luật Xây dựng lần này. Trong dự thảo có đề cập đến mục quy hoạch xây dựng vùng, đây là nội dung cần xem xét đến cơ sở khoa học và mối quan hệ với mối quy hoạch phát triển của vùng tỉnh, vùng liên huyện, vùng huyện, để có nghiên cứu, điều chỉnh và đổi mới cách tiếp cận quy hoạch vùng. Vì vậy phải chăng nên đổi mới cách tiếp cận, không nhất thiết phải có quy hoạch xây dựng vùng riêng như hiện nay chúng ta đang quy định.
Ngoài ra, tại Hội thảo các đại biểu cũng đưa ra rất nhiều ý kiến như cần sửa đổi ở Điều 1, Điều 2, Điều 3, khoản 2 Điều 6, khoản 1 Điều 106, Điều 107, Điều 36, Điều 50, Điều 32… và rất nhiều Điều đã được đại biểu yêu cầu cần phải bổ sung.
                                                                                               Dương Phúc (Nguồn: vusta.vn)
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
 

Liên Kết Website

 
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập