Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
Đề nghị Quốc hội bãi nhiệm bà Đặng Thị Hoàng Yến
Cập nhật: 21-04-2012 01:34
Sáng 18/4/2012, sau hơn một giờ nghe báo cáo và thảo luận, 100% ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN có mặt đã biểu quyết nhất trí đề nghị Quốc hội (QH) bãi nhiệm tư cách đại biểu QH bà Đặng Thị Hoàng Yến.
 
 
Ông Phạm Quốc Anh - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cho biết đằng sau vụ bà Đặng Thị Hoàng Yến mới vỡ ra nhiều vấn đề trong công tác bầu cử cần phải rút kinh nghiệm.
“Bà Yến từng được kết nạp và sinh hoạt Đảng tại quận 5 (TP.Hồ Chí Minh) nhưng không khai vào hồ sơ ứng cử đại biểu QH. Chuyện có chồng là ông Jimmy Trần đang bị truy nã quốc tế cũng không được thể hiện trong hồ sơ. Rồi chuyện trong thời gian vận động bầu cử được coi là nhạy cảm, bà Yến tiếp xúc với 1.300 cử tri và biếu mỗi người 500.000 đồng... Những việc như vậy đã rõ ràng, hồ sơ thể hiện thiếu trung thực nên các ủy viên Đoàn chủ tịch không ai băn khoăn gì, 100% đồng ý bãi nhiệm tư cách đại biểu QH đối với bà Yến” - ông Quốc Anh cho biết.
Ông cho rằng để xảy ra tình trạng thiếu trung thực trong hồ sơ ứng cử của bà Yến có trách nhiệm của Ủy ban bầu cử và MTTQ VN tỉnh Long An, nhưng đại diện Ủy ban MTTQ VN tỉnh Long An trả lời mình không thiếu sót là không đúng.
“Bà Yến sống tại đó, kinh doanh ở đó, những vấn đề dư luận đặt ra, dư luận xì xào thì các cơ quan phụ trách bầu cử phải lập tức thẩm tra, xem xét, làm rõ. Đằng này hồ sơ của bà Yến có những khoảng trống về đảng tịch, về một số giai đoạn làm gì, ở đâu không ghi rõ mà không được xem xét kỹ thì Ủy ban bầu cử và MTTQ VN ở địa phương chưa làm hết trách nhiệm. Đây là bài học cho thấy rằng việc xem xét, thẩm tra hồ sơ, nhân thân ứng cử viên đại biểu QH cần phải làm kỹ hơn nữa” - ông Quốc Anh nói.
Trao đổi ngay sau hội nghị, ông Lê Truyền - ủy viên Đoàn chủ tịch - nhận xét: “Những vấn đề liên quan đến bà Yến được báo chí, dư luận đặt ra ngay khi bầu cử và trước kỳ họp thứ nhất của QH nhưng đến nay mới xử lý được là chậm, chưa đáp ứng mong mỏi của nhân dân”. Theo ông Truyền, với các vấn đề nêu trên, nếu các cơ quan chức năng quyết liệt thì hoàn toàn có thể xác minh, kết luận sớm và xem xét ngay tại kỳ họp thứ nhất.
Đồng tình với ông Phạm Quốc Anh, ông Lê Truyền nói: “Cần rút kinh nghiệm nhiều mặt đối với các cơ quan chức năng tiến hành cuộc bầu cử. Ví dụ, xung quanh vấn đề lập hồ sơ thì phải kiểm tra, xác minh rõ ràng lý lịch, nhân thân, sự trung thực của bản kê khai tài sản và nguồn gốc tài sản. Cơ quan nội vụ tiếp nhận hồ sơ phải có xác minh, chứ không phải chỉ là việc tiếp nhận hành chính thông thường. Phải chú ý lắng nghe dư luận, cử tri nơi cư trú, nơi công tác trước khi hiệp thương lần cuối cùng. Làm sao để đến khi dân chọn, dân bầu thì dân phải có đầy đủ thông tin”.
Về trình tự xem xét tư cách đại biểu QH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến tiếp sau hội nghị Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN, ông Lê Như Tiến (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH) cho biết: “Hiện Ủy ban Thường vụ QH đang họp đến hết ngày 20-4. Nếu MTTQ VN kịp thời có kiến nghị thì có thể được Ủy ban Thường vụ QH xem xét ngay, hoặc chờ đến phiên họp tiếp theo của Ủy ban Thường vụ QH”.
Theo ông Tiến, Ủy ban Thường vụ QH là nơi quyết định có hay không việc trình QH bãi nhiệm đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến. “Tôi tin tưởng khi Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN đã thảo luận, phân tích kỹ lưỡng và thể hiện sự đồng thuận cao như vậy, một số cơ quan khác từ địa phương đến trung ương cũng đã có ý kiến, chắc rằng Ủy ban Thường vụ QH sẽ thể hiện quan điểm rõ ràng. Về mặt thời gian, các công việc liên quan hoàn toàn có thể được thực hiện từ nay cho đến kỳ họp QH vào cuối tháng 5 và được quyết định bởi QH trong kỳ họp đó” - ông Tiến nói.
Ông Tiến cho biết theo quy định của luật, đại biểu QH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị QH hoặc cử tri bãi nhiệm. Trong trường hợp QH bãi nhiệm đại biểu QH, việc bãi nhiệm phải được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu QH biểu quyết tán thành.
“QH trước đây từng bãi nhiệm hai trường hợp là đại biểu Mạc Kim Tôn (nguyên giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Thái Bình) và đại biểu Lê Minh Hoàng (nguyên giám đốc Công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh). Căn cứ vào thực tế quy trình bãi nhiệm hai trường hợp này cũng như theo các quy định hiện hành, sau khi Ủy ban Thường vụ QH có tờ trình ra QH và được QH nhất trí đưa vào chương trình kỳ họp, việc bãi nhiệm sẽ được thảo luận tại các đoàn đại biểu QH, tiếp đó Ủy ban Thường vụ QH họp để cho ý kiến về báo cáo kết quả thảo luận ở đoàn đại biểu QH và cuối cùng đưa ra QH bỏ phiếu bãi nhiệm”, ông Tiến nói.
Ông Tiến còn cho rằng việc xác minh thông tin liên quan đến ứng cử viên đại biểu QH cũng như các bước hiệp thương để đi đến bầu cử thường được thực hiện rất chặt chẽ. Như vậy cần làm rõ trách nhiệm ở khâu nào khi xảy ra vấn đề liên quan đến bản khai lý lịch của đại biểu QH. “Đơn cử như đã từng kết nạp Đảng thì không thể nói là không ai biết, mà sao qua các vòng hiệp thương vẫn không phát hiện” - ông Tiến nhấn mạnh.
                                                                                                                                  Tuổi trẻ 19/4/2012
 
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
 

Liên Kết Website

 
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập