Kinh doanh dịch vụ CNTT xuyên biên giới được định nghĩa là “kinh doanh dịch vụ CNTT trên môi trường mạng từ bên ngoài lãnh thổ VN mà có phát sinh doanh thu trên lãnh thổ VN. Dịch vụ này được cung cấp bởi tổ chức, cá nhân không đăng ký kinh doanh, hoặc không có giấy phép đầu tư tại VN”. Theo định nghĩa này, hai đại gia quốc tế lọt vào “tầm ngắm” là dịch vụ tìm kiếm Google và mạng xã hội Facebook.
Ông Lê Hồng Minh - Tổng Giám đốc công ty VNG - trong nhiều cuộc hội thảo đã nói thẳng toạc rằng, Google và Facebook mỗi năm thu từ thị trường VN khoảng 40 triệu USD qua dịch vụ quảng cáo trực tuyến, nhưng không phải chịu bất cứ nghĩa vụ thuế nào cũng như trách nhiệm tuân thủ luật pháp VN về mặt quản lý. Điều đó tạo ra sự bất bình đẳng giữa DN trong nước với DN nước ngoài cùng cung cấp dịch vụ trên thị trường VN.
Ông Nguyễn Trọng Đường - Vụ trưởng Vụ CNTT thuộc Bộ TTTT - giải thích: “Theo tinh thần điều 20 của dự thảo, Google sẽ phải có trách nhiệm thành lập công ty và đăng ký kinh doanh tại VN. Khi đó sẽ giải quyết được cả vấn đề về thuế và quản lý”.
Cũng theo điều 20, trường hợp Google không chịu đăng ký kinh doanh tại VN thì các công ty VN làm đại lý quảng cáo cho Google sẽ không được phép tiếp tục làm đại lý. Trường hợp Facebook thuộc nhóm dịch vụ nội dung thông tin số, dù không bị buộc phải có giấy phép kinh doanh tại VN nhưng chỉ được cung cấp dịch vụ thông qua các đại lý và những đại lý này phải đăng ký cung cấp dịch vụ với các cơ quan chức năng.
Trong hội thảo góp ý dự thảo nghị định về dịch vụ CNTT tại TP.Hồ Chí Minh ngày 11/4/2012, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Tin học TP.Hồ Chí Minh - bày tỏ quan điểm: “DN kinh doanh tại quốc gia nào thì phải có nghĩa vụ nộp thuế tại quốc gia đó. Trường hợp Google và Facebook có kinh doanh và phát sinh nguồn thu tại thị trường VN, thì họ phải có trách nhiệm đăng ký kinh doanh”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Thành - GĐ công ty Emerald, một đại lý quảng cáo của Google tại VN - lại cho rằng, với điều 20 chưa chắc ép được Google đăng ký kinh doanh tại VN, mà thậm chí lợi bất cập hại. Vì một khi các DN VN không được tiếp tục làm đại lý cho Google thì những DN tại VN có nhu cầu đăng quảng cáo trên Google sẽ mua dịch vụ trực tiếp từ Google hoặc các đại lý ở nước ngoài, khi đó Chính phủ VN thậm chí không thu được khoản thuế nào.
Nhìn nhận về điều 20 trong dự thảo, ông Lê Hồng Minh cho rằng: “Trên khía cạnh kinh doanh, luật phải áp dụng công bằng cho cả DN VN và DN nước ngoài và các quy định phải rõ ràng để tạo sân chơi bình đẳng. Tôi cho rằng quy định như điều 20 cũng là chuyện bình thường. Mỗi nước có những quy định riêng. Như trường hợp công ty VNG hiện đang tiến hành đăng ký tên miền tại 10 quốc gia trên thế giới, nhưng trong đó có tới 5 quốc gia yêu cầu chúng tôi phải mở văn phòng tại nước họ thì mới cho đăng ký tên miền. Chúng tôi buộc phải lựa chọn, chấp nhận hoặc là không”.
Theo ông Chu Tiến Dũng, quy định các công ty nước ngoài như Google phải đăng ký kinh doanh cũng nhằm buộc họ có trách nhiệm. Cụ thể khi xảy ra vấn đề về chất lượng dịch vụ, hay nội dung thông tin sản phẩm không phù hợp với luật pháp VN, thì còn có “tóc” để “nắm”. |