Mặc dù đến ngày 1/5/2012 mới có hiệu lực, song việc ban hành Nghị định đã thể hiện thái độ kiên quyết của Nhà nước ta trong bảo vệ quyền lợi NTD, vấn đề được coi là hết sức bức thiết hiện nay…
Vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD là hành vi cố ý hoặc vô ý của cá nhân, cơ quan, tổ chức vi phạm các quy định của pháp luật mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt VPHC. Đối với mỗi hành vi VPHC, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là: phạt cảnh cáo, phạt tiền. Tùy tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để VPHC hoặc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Mức phạt tiền thấp nhất từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: không bảo đảm chất lượng, số lượng, công dụng, an toàn thực phẩm của hàng hóa, dịch vụ mà mình cung cấp cho NTD theo quy định; cung cấp cho NTD các loại hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh; không đổi lại hàng hóa hoặc không trả lại tiền cho NTD và nhận lại hàng hóa trong trường hợp hàng hóa do mình cung cấp không bảo đảm chất lượng, số lượng, công dụng như thông tin đã cung cấp.
Điểm đặc biệt trong xử phạt của Nghị định 19/2012/NĐ-CP là phạt tiền đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: không đăng ký hoặc không đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi NTD theo quy định; không thông báo cho NTD về việc thay đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Mức phạt tối đa này cũng sẽ áp dụng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng.
Với hành vi không thông báo công khai về hàng hóa khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó theo quy định; không báo cáo kết quả thu hồi hàng hóa có khuyết tật cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD theo quy định, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt từ 30 đến 50 triệu đồng, ngoài ra còn bị buộc sửa chữa hoặc thu hồi hàng hóa có khuyết tật. Hành vi quảng cáo lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng.
Trong thực tế, NTD gặp rất nhiều trường hợp được phục vụ tận nơi song người bán hàng không giới thiệu tên của tổ chức, cá nhân kinh doanh, số điện thoại liên lạc, địa chỉ… của cơ sở có hàng hoặc cố tình nài nỉ mua dù người tiêu dùng đã từ chối.
Với những trường hợp này, thường là NTD chỉ biết bực mình mà không làm gì được thì nay Nghị định 19/2012/NĐ-CP quy định đó là những hành vi vi phạm về bán hàng tận cửa, mức phạt tiền sẽ từ 10-20 triệu đồng. Mức phạt trên cũng áp dụng đối với hành vi tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của NTD từ 2 lần trở lên; có hành vi gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của NTD.
Đặc biệt, số tiền phạt sẽ tăng lên từ 10-30 triệu đồng nếu người bán có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác gây thiệt hại đến sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của NTD để ép buộc giao dịch… vốn diễn ra khá nhiều tại các cửa hàng nhỏ, các chợ mà khi xảy ra, thường không có cơ quan, tổ chức nào bảo vệ người mua hàng cả.
Có thể nói, so với các văn bản pháp luật trước đây, mức xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD quy định tại Nghị định 19/2012/NĐ-CP là rất cao. Thực tế hoạt động kinh doanh thương mại và giao thương cho thấy, khi vi phạm pháp luật, người kinh doanh chỉ sợ nhất là bị cấm kinh doanh, còn các hình thức phạt, tịch thu hàng hóa... thì chưa bao giờ khiến họ sợ cả. Thế nên, trong bối cảnh quyền lợi NTD đang bị xâm phạm nghiêm trọng như hiện nay, mức phạt cao này liệu có đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm hay không là điều mà dư luận xã hội đang đặt ra.
Ví dụ, hành vi pha nước, tạp chất vào xăng dầu, vừa gây tác hại cho rất nhiều phương tiện, sự an toàn của người điều khiển và ô nhiễm môi trường mà phạt 70 triệu đồng (tối đa) thì chả nghĩa lý gì.
Các DN lớn, cửa hàng kinh doanh vi phạm sẽ sẵn sàng nộp tiền phạt, thậm chí "chạy" để được phạt rồi tiếp tục hoạt động và lại vi phạm. Hay như hành vi sử dụng chất tạo nạc bị cấm trong chăn nuôi với những tác hại khó lường đối với sức khỏe NTD phải bị rút giấy phép hành nghề, cấm chăn nuôi, kinh doanh vĩnh viễn hay truy tố trước pháp luật, chứ phạt vài chục triệu đồng hay đình chỉ chăn nuôi một thời hạn nhất định chỉ là "phủi bụi" so với lợi ích hành vi vi phạm đem lại.
Chưa kể, trong thực tế sẽ xảy ra tình trạng có những đối tượng không đủ điều kiện để phạt, ví dụ như người nông dân nghèo vô ý bán rau "bẩn", thịt gia cầm bị bệnh… ở chợ cóc gây ngộ độc cho NTD thì làm sao phạt được? Rồi các chế tài đưa ra để phạt cũng không rõ ràng, ai phạt, phạt ở đâu, xử lý việc không nộp phạt thế nào?...
Thế nên, để tránh việc sẽ bị vô hiệu hóa (như quy định về xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng chẳng hạn) hoặc không phát huy được hiệu lực, hiệu quả, khó có thể xử lý các hành vi vi phạm quyền lợi NTD được tận gốc và triệt để như yêu cầu đặt ra, đi kèm với phạt bằng tiền, các khía cạnh khác trong nội dung này của Nghị định cần được quy định rõ ràng, sát thực hơn.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của chính quyền các cấp, hoạt động của các cơ quan có chức năng kiểm tra kiểm soát thị trường, các Hiệp hội, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD cũng cần được xác định lại và đẩy mạnh theo hướng quyết liệt hơn. Về phía NTD, khi đã được pháp luật bảo vệ thông qua những chế định cụ thể, cũng cần nắm vững các quyền của mình để khi bị xâm phạm có thể tự tin tìm đến đúng nơi phản ánh và yêu cầu được giải quyết một cách thỏa đáng, đầy đủ nhất. |