Ðề án được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy hoạt động KH và CN ở các địa phương phát triển. Hiện nay, toàn quốc có 61/63 trung tâm ứng dụng (hai tỉnh Khánh Hoà và Tuyên Quang chưa có trung tâm ứng dụng). Phần lớn các trung tâm ứng dụng chưa được đầu tư đồng bộ đủ để thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Trong số đó, chỉ có 31 trung tâm ứng dụng có trụ sở làm việc ổn định, diện tích bình quân là 780 m2/trung tâm; 30 trung tâm còn lại có trụ sở là nhà cấp 4; 17 trung tâm đang phải thuê chỗ làm việc. Ða phần các trung tâm ứng dụng chưa có nhà xưởng, trạm, trại thực nghiệm; bình quân mỗi trung tâm ứng dụng, đến năm 2010, có tổng giá trị trang thiết bị, máy móc khoảng 3,12 tỷ đồng. Nhân lực KH và CN của các trung tâm ứng dụng còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế của địa phương. Ðội ngũ cán bộ quản lý và chuyên gia công nghệ ở các trung tâm chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ một cách có hệ thống; thiếu đội ngũ kỹ thuật có kỹ năng và năng lực chuyên môn về công nghệ và chuyển giao công nghệ.
Toàn quốc hiện có 63 trung tâm kỹ thuật trực thuộc các chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng hoặc Sở KH và CN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Có 38/63 trung tâm kỹ thuật đã có trụ sở riêng nhưng đặt chung trong trụ sở của Sở KH và CN; 25 trung tâm kỹ thuật hiện phải sử dụng nhờ diện tích của cơ quan khác.
Năng lực kiểm định hiện tại của các trung tâm kỹ thuật chỉ mới đáp ứng được 24% nhu cầu kiểm định một số loại phương tiện đo thông dụng hiện có trên địa bàn, 27 trung tâm kỹ thuật chưa đủ năng lực thực hiện hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trang thiết bị thử nghiệm của các trung tâm kỹ thuật, tuy đã được tăng cường trong một vài năm gần đây nhưng nhìn chung chưa đủ và chưa đồng bộ để thực hiện hoạt động thử nghiệm, kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chỉ mới tập trung vào một số chỉ tiêu hóa sinh của một số nhóm thực phẩm và đồ uống; một số chỉ tiêu cơ lý của vật liệu xây dựng; phân tích thành phần hóa học vật liệu kim loại, phân bón, chất tẩy rửa, hóa phẩm tiêu dùng, môi trường... Thử nghiệm các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm hầu hết chỉ mới dừng lại ở nhóm chỉ tiêu vi sinh vật của thực phẩm và nước sinh hoạt. Năng lực thử nghiệm phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa thiết yếu như thiết bị điện gia dụng, xăng dầu, khí đốt thương phẩm... còn yếu.
Với thực trạng nói trên, trung tâm kỹ thuật của chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh, thành phố chưa thể đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đo lường và kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn trong khi nhu cầu kiểm định, thử nghiệm được dự báo sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Xuất phát từ những lý do nêu trên, Bộ KH và CN đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án "Nâng cao năng lực của trung tâm ứng dụng tiến bộ KH và CN, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2020" nhằm nâng cao tiềm lực KH và CN của các địa phương. Mục tiêu của đề án nhằm hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, đổi mới cơ chế hoạt động, đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực của các trung tâm nêu trên. Ðề án đề ra các mục tiêu cụ thể từ năm 2012 đến 2015 là: Bảo đảm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có trung tâm ứng dụng và trung tâm kỹ thuật. Tất cả số trung tâm ứng dụng và trung tâm kỹ thuật sẽ được đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở, nhà xưởng, phòng thí nghiệm, trại thực nghiệm và các trang thiết bị kỹ thuật tối thiểu để hoạt động. 100% số trung tâm kỹ thuật đủ năng lực kiểm định được tối thiểu 40% phương tiện đo thông dụng thuộc Danh mục phải kiểm định trên địa bàn tỉnh, thành phố; 40% số trung tâm kỹ thuật có khả năng thử nghiệm được các chỉ tiêu chất lượng, vệ sinh, an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các nhóm sản phẩm, hàng hóa nhóm hai do Bộ KH và CN ban hành và được công nhận đủ năng lực phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước. Tối thiểu 60% số cán bộ quản lý, kỹ thuật viên có trình độ đại học trở lên; 100% số cán bộ quản lý, kỹ thuật viên được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực có liên quan.
Ðể thực hiện thành công các mục tiêu, đề án đã đưa ra các giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào giải pháp về tài chính. Cụ thể, nguồn tài chính được cân đối từ 2% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm cho KH và CN và từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Trong giai đoạn 2012-2015, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí thực hiện các dự án, bình quân hằng năm không dưới 50% tổng kinh phí đầu tư phát triển cho KH và CN; riêng TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mức bố trí hằng năm không dưới 10% tổng kinh phí đầu tư phát triển cho KH và CN. Giai đoạn 2016-2020, mức bố trí kinh phí căn cứ vào mục tiêu, nội dung của đề án và nhu cầu thực tế của địa phương. Ngân sách địa phương phải bảo đảm kinh phí xây dựng trụ sở làm việc, gồm cả kinh phí giải phóng mặt bằng, mua sắm trang thiết bị gắn với công trình đầu tư xây dựng cơ bản. Ngoài ra, còn có nguồn kinh phí huy động từ các dịch vụ ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đo lường, thử nghiệm, kiểm định và các nguồn thu hợp pháp khác.
Ðồng thời, đề án cũng xác định một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể, đó là đổi mới, kiện toàn tổ chức của hai trung tâm; tăng dần kinh phí hoạt động nhờ vào xã hội hóa đầu tư và sử dụng trang thiết bị; thực hiện chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đẩy mạnh đào tạo nhân lực đồng bộ với việc nâng cấp trang thiết bị; tăng cường hợp tác giữa các tổ chức KH và CN ở Trung ương với địa phương, các vùng và hợp tác quốc tế...
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, sau khi được ban hành và đi vào thực hiện, đề án không chỉ giúp nâng cao năng lực của trung tâm ứng dụng, trung tâm kỹ thuật các tỉnh, thành phố mà còn có vai trò thúc đẩy hoạt động KH và CN ở địa phương trong giai đoạn tới, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như của đất nước.
NGỌC VĨ ( NGUỒN VUSTA.VN)