Thành phần Hội đồng Khoa học và công nghệ tư vấn chuyên ngành gồm có: ThS. Nguyễn Văn Liệt – Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Đồng Nai – Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Phạm Ngọc Tuấn – Chủ nhiệm Bộ môn Chế tạo máy – Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh - Ủy viên; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Phương – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh - Ủy viên; TS. Tạ Anh Tuấn – Viện Vật lý Tp. Hồ Chí Minh - Ủy viên; ThS. Phạm Gia Hải – Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Đồng Nai - Ủy viên; KS. Trương Văn Trai – Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai – Thư ký; CN. Bùi Hoài Khánh Long – Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai – Thư ký.
03 đề tài tham dự năm 2014 đều đến từ các nhóm tác giả của Trường Đại học Lạc Hồng được Hội đồng Khoa học và công nghệ tư vấn chuyên ngành đánh giá, đó là:
+ Đề tài 01: Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống sắp xếp, tách sản phẩm MPC tự động
+ Đề tài 02: Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo dây chuyền sản xuất cuộn cảm bán tự động.
+ Đề tài 03: Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy dán kẹo sáo tự động.
ThS. Nguyễn Văn Liệt – Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Đồng Nai
– Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại buổi đánh giá và xếp loại các công trình
Tại buổi đánh giá và xếp loại, tác giả của 03 đề tài giới thiệu công trình nghiên cứu, quy trình chế tạo máy từ đó chỉ ra ưu điển và hạn chế tồn tại của công trình. Bên cạnh đó, các nhóm tác giả cũng đưa ra những phương pháp nghiên cứu và các giải pháp cho công trình. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong các công ty sản xuất: NEC/KITON, đưa lại hiệu quả sản xuất và năng suất lao động cho các công ty.
Dựa trên các tiêu chí đánh giá, Hội đồng đã đánh giá và đóng góp ý kiến cho các đề tài, cụ thể:
Đề tài 01: Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống sắp xếp, tách sản phẩm MPC tự động. Đây là đề tài có tính mới, tính sáng tạo, hiệu quả và khả năng áp dụng trong sản xuất. Tuy nhiên đề tài cần phải có phần tổng quan nghiên cứu, cần khảo sát những công trình nghiên cứu, các bài viết,…đã có ở Việt Nam và trên Thế giới để sản phẩm nghiên cứu mới thực sự có tính mới và tính sáng tạo. Tác giả cũng cần phải thống nhất các ký hiệu trong mô hình vẽ và nêu rõ ý tưởng, giải pháp rõ ràng, từ đó đưa ra so sánh với mặt bằng chung của thế giới.
Đề tài 02: Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo dây chuyền sản xuất cuộn cảm bán tự động. Hội đồng đánh giá cao đề tài và đây là công trình nghiên cứu có sức lan tỏa lớn, đưa lại những lợi ích thiết thực trong sản xuất, góp phần cải thiện môi trường làm việc của người lao động và nâng cao hiệu quả kinh tế cho công ty sản xuất. Tuy nhiên, cũng như đề tài 01, đề tài 02 chưa rõ ràng về phần tổng quan nghiên cứu, chưa đưa ra phương án và giải pháp tối ưu.
Đề tài 03: Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy dán kẹo sáo tự động. So với 02 đề tài trước, đề tài này còn có những mặt hạn chế nhất định. Đề tài có quy mô nhỏ, tính sáng tạo và tính mới còn hạn chế, quy mô áp dụng chưa cao, đặc biệt là cần nêu cao tính đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sau khi xem xét, căn cứ vào các tiêu chí đánh giá, Hội đồng đánh giá cao khả năng tư duy sáng tạo của các tác giả và thống nhất cả 03 đề tài đủ điều kiện tham dự giải thưởng sáng tạo Việt Nam, trong đó đề tài 01 và đề tài 03 xếp loại khá, đề tài 02 được xếp loại xuất sắc. Sau khi ghi nhận những ý kiến đóng góp của Hội đồng, các tác giả sẽ chỉnh sửa và bổ sung nội dung để đề tài được hoàn chỉnh và gửi đi tham dự giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2014.
Tin và ảnh: Dương Phúc