Vùng Đông Nam Bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT-XH của cả nước. Nơi đây hội tụ đầy đủ các điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là phát triển Khoa học công nghệ (KH-CN), đi đầu trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Phát huy những lợi thế sẵn có của Vùng, trong những năm qua hoạt động KH&CN của các tỉnh/thành phố vùng Đông Nam Bộ đã góp một phần rất quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của Vùng. Kinh tế trong vùng chiếm khoảng 49% tổng kim ngạch xuất khẩu và 46% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Đây cũng là nơi tập trung nhiều nhất các công ty công nghiệp trong cả nước với đa dạng các ngành.
Đ/c Đinh Quốc Thái – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu tại hội nghị
Bên cạnh đó, Đông Nam Bộ được đánh giá là khu vực phát triển kinh tế năng động nhất toàn quốc với tốc độ tăng trưởng, thu hút FDI ấn tượng, đã góp phần phát triển đất nước theo hướng hiện đại. Theo số liệu của Bộ Khoa học & Công nghệ cho thấy, khu vực Đông Nam bộ là nơi thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước, chiếm đến 57% trong tổng số 9.764 dự án. Các doanh nghiệp trong khu vực cũng đi đầu trong ứng dụng các thành tựu KH&CN vào hoạt động kinh doanh, sản xuất.
Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các doanh nghiệp hiện vẫn đang sở hữu công nghệ sản xuất từ trung bình đến lạc hậu, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng cũng như giá thành cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường.
Trong khuôn khổ Hội nghị giao ban có nhiều hoạt động KH&CN được tổ chức đồng thời như : “Chợ công nghệ thiết bị và thương mại vùng Đông Nam Bộ - Đồng Nai 2015”, Hội thảo: “Tổ chức, đầu tư, cơ chế tài chính và chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ”, tọa đàm “Hoạt động thông tin, thống kê KH&CN vùng Đông Nam Bộ - Thực trạng và định hướng”, tọa đàm về “Giải pháp nâng cao quyền sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng”... Các hoạt động này tập trung thảo luận nhiều nội dung liên quan đến phát triển KH&CN. Trong đó có những vấn đề trọng tâm trong việc hoàn chỉnh cơ chế quản lý theo Luật KH&CN năm 2013; triển khai thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và các mục tiêu trong phát triển KH&CN của địa phương; chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực vùng Đông Nam Bộ. Qua đó, nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường công nghệ; gắn kết giữa nghiên cứu với sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại các sản phẩm KH&CN; đưa Đông Nam Bộ trở thành khu vực hàng đầu trong việc phát triển kinh tế, tăng sức mạnh của doanh nghiệp từ đòn bẩy KH&CN. Đây cũng là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý cùng các doanh nghiệp gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn còn tồn tại liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển KH&CN.
Nhiều đề xuất, kiến nghị của các đại biểu đã được các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN trao đổi, giải đáp. Những đề xuất, kiến nghị này chính là cơ sở để Bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương tiếp tục nghiên cứu, phối hợp xem xét giải quyết, nhất là việc điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp và công tác quản lý KH&CN tại các địa phương.
Quang cảnh Hội nghị giao ban KHCN vùng Đông Nam Bộ lần thứ XIII
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh, trong thời gian tới Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh vùng Đông Nam Bộ tạo điều kiện mọi mặt để ngành KH&CN phát triển đồng bộ, bền vững, hiện đại, nhất là đưa thành tựu KH&CN vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa, xây dựng nông thôn ngày một mới hơn. Đồng thời mong muốn, trong thời gian tới, Đồng Nai và các tỉnh trong vùng sẽ phối hợp chặt chẽ trong lĩnh vực KH-CN cũng như các lĩnh vực khác để thúc đẩy sự phát triển chung của vùng. Mở ra khả năng liên kết giữa các địa phương; tăng cường sự hợp tác, tiếp tục trao đổi kinh nghiệm nhằm khai thác và phát triển hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Lê Nghĩa