Th.S Phạm Gia Hải – Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng
phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, DSCK1 Võ Thị Quỳnh Như – Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Đồng Nai cho biết, sản xuất và kinh doanh hóa mỹ phẩm là một ngành công nghiệp đang phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Mặc dù công nghệ sản xuất được cải thiện đáng kể nhưng nhiều sản phẩm vẫn có chứa chì, thủy ngân và các hóa chất độc hại khác. Người tiêu dùng thường tìm mua hóa mỹ phẩm tại các siêu thị, các cửa hàng chuyên bán mỹ phẩm, nhà thuốc nhưng hiện tại nhiều loại mỹ phẩm ở các quầy tạp hóa, cửa hàng nhỏ lẻ, trên các trang mạng xã hội vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, thị trường hóa mỹ phẩm luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động đến nền kinh tế và đời sống nhân dân như giá cả, hàng kém chất lượng.
Câu hỏi được đặt ra là: Cần có giải pháp gì để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng? Th.S Phạm Gia Hải – Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng đã trả lời, trước thiệt hại về kinh tế và sức khỏe của người tiêu dùng, uy tín cho doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hóa mỹ phẩm chân chính, trước tiên, chính người tiêu dùng phải thận trọng, tìm hiểu đầy đủ thông tin về hàng hóa và doanh nghiệp, sử dụng quyền “lựa chọn” của mình, tìm mua hàng hóa phù hợp về chất lượng, giá cả và đặc biệt phải an toàn; cơ quan quản lý cần tăng cường hơn nữa hiệu lực quản lý, không thể để hàng hóa mỹ phẩm giả vẫn tồn tại và vẫn được bán; các doanh nghiệp càng phải biết tự bảo vệ mình bằng các biện pháp kỹ thuật, kinh doanh, xây dựng chính sách và thực thi một hệ thống kinh doanh nhằm thỏa mãn các nhu cầu của người tiêu dùng, thỏa mãn về mặt chất lượng, giá cả và các dịch vụ trước, trong và sau khi bán hàng. Một chính sách kinh doanh trung thực sẽ tạo được niềm tin và sự mua bán nhiều hơn của người tiêu dùng, đó cũng chính là sự bền vững của doanh nghiệp, tiền đề để người tiêu dùng biết rõ đâu là địa chỉ đáng tin cậy, tránh những thiệt thòi, để có thể yên tâm sử dụng sản phẩm có chất lượng./.
Tin và ảnh: Huy Tùng