Phiên toàn thể ngày thứ nhất 01/12 của Hội thảo.
Hội thảo diễn ra vào hai ngày (01,02/12), bao gồm 2 phiên toàn thể, 4 phiên song song thảo luận về các vấn đề: Khẳng định vai trò, vị trí, hiệu quả và chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động của các tổ chức xã hội trong việc phòng, chống HIV/AIDS; thúc đẩy sự hợp tác của các tổ chức xã hội với các đối tác trong phòng, chống HIV/AIDS và điều trị cai nghiện. Qua đó, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động và tính bền vững của hệ thống cộng đồng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những ưu tiên cao nhất của Chính phủ, đến nay dịch HIV/AIDS đã từng bước được kiểm soát, trong đó các tổ chức xã hội đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ cho người nhiễm HIV.
Phó Thủ tướng chia sẻ “Chúng ta đã làm rất tốt, nhiều dự án thành công đã đem ánh sáng, cuộc đời trở lại cho rất nhiều người không may bị nhiễm HIV. Rất cảm động là rất nhiều em bé đã được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV. Điều đặc biệt quan trọng là xã hội đã nhìn nhận những người nhiễm HIV/AIDS là những người bệnh cần được sự giúp đỡ, chia sẻ để vượt qua”.
Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các hình thức sinh hoạt cộng đồng, chung tay để đại dịch HIV/AIDS được chấm dứt vào năm 2030. Bên cạnh đó, xây dựng phương án tài chính cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS, tăng cường điều trị bằng methadone, xây dựng các mô hình cai nghiện hiệu quả, làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan thành viên của Ủy ban quốc gia và các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống ma túy, mại dâm.
Tại Hội thảo, GS.TS Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, trong những năm qua các tổ chức xã hội đã góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ dự phòng HIV/AIDS. Tính đến tháng 9 năm 2016, Dự án Vusta – Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS đã xây dựng được 96 tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO’s), cung cấp dịch vụ cho hơn 70.000 khách hàng ở 15 tỉnh, thành trên cả nước.
Trong bối cảnh nguồn viện trợ quốc tế giảm mạnh, để bảo đảm chất lượng dịch vụ, việc tăng cường hợp tác và liên kết hợp tác giữa các tổ chức xã hội đóng một vai trò rất quan trọng nhằm đạt các mục tiều đã đề ra và góp phần kết thúc đại dịch HIV ở Việt Nam vào năm 2030.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Cả thế giới, trong đó có Việt Nam, cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90, nhưng để đạt được điều này thì mỗi người cẩn phải nỗ lực 100-100-100”./.
Tin và ảnh: Huy Tùng