Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
Quảng Nam: Liên hiệp Hội cần “khoa học hóa” các hoạt động
Cập nhật: 27-04-2012 10:28
Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB&GĐXH) là chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp các Hội KH&KT (Liên hiệp Hội), tuy nhiên, tại Quảng Nam, do nhiều nguyên nhân khác nhau, Liên hiệp Hội tỉnh chưa khẳng định được vai trò, vị trí của mình để xứng đáng là một tổ chức hội mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung.

 ht.jpg

 
Theo báo cáo, đến nay Liên hiệp Hội Quảng Nam có tất cả 21 hội thành viên (tăng 17 hội viên so với những năm đầu tái lập tỉnh), trong đó một số hội viên hoạt động có uy tín trong xã hội như Hội Kiến trúc sư, Hội Làm vườn, Hội Tin học - viễn thông, Hội Đông y, Hội Luật gia...
Thời gian qua, Liên hiệp Hội Quảng Nam đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành một số chính sách quan trọng. Chẳng hạn, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TƯ ngày 11/11/1998 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp Hội; tham mưu Chương trình hành động số 23 - Ctr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”...
Tuy nhiên, trong công tác TVPB&GĐXH, Liên hiệp Hội Quảng Nam vẫn chưa phát huy được vai trò, vị thế là một tổ chức khoa học nhận được sự tin cậy đối với xã hội. Liên hiệp Hội tham gia tư vấn, phản biện xã hội về một số chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, KH-CN, GD-ĐT, bảo vệ môi trường... nhưng chỉ tham gia qua vai trò là thành viên của hội đồng khoa học tỉnh, thành viên của hội đồng thẩm định, phê duyệt đề tài, dự án khoa học của tỉnh.
Liên hiệp Hội chưa chủ động tổ chức được nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn khoa học quy mô, quy tụ những nhà khoa học uy tín đóng góp, thảo luận các vấn đề quan trọng của tỉnh nhà. Các tổ chức hội thành viên cũng tham gia vào hoạt động tư vấn, phản biện xã hội, nhưng nhìn chung, hoạt động của các hội thành viên còn khá rời rạc, mờ nhạt. Đáng nói, nguồn kinh phí để duy trì hoạt động độc lập và dành cho hoạt động tư vấn độc lập của Liên hiệp Hội và các hội thành viên không có. Đến nay, Liên hiệp Hội vẫn chưa có tạp chí, bản tin, diễn đàn riêng của mình, trang thông tin điện tử còn sơ sài, chưa hấp dẫn và sinh động…
Lý giải về những nguyên nhân của sự hạn chế trên, ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội Quảng Nam, cho rằng, ngoài sự thiếu chủ động, kinh nghiệm chuyên môn của nhiều thành viên trong việc tham gia TVPB&GĐXH, còn có nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau. Cụ thể, do sự nhận thức về vai trò, vị trí của Liên hiệp Hội và các hội thành viên trong các cấp, ngành chưa cao. Cơ chế TVPB&GĐXH, bảo vệ quyền lợi hội viên, chức năng phổ biến kiến thức... chưa được quy định cụ thể trong văn bản nhà nước nên Liên hiệp Hội rất lúng túng trong hoạt động…
“Trải qua 3 nhiệm kỳ, Liên hiệp Hội Quảng Nam vẫn chưa có nơi làm việc ổn định (vẫn hoạt động chung với cơ sở của Sở KH-CN) để thuận lợi trong thực hiện vai trò, vị trí và tổ chức hoạt động của mình. Nguồn kinh phí để duy trì hoạt động thường trực và dành cho công tác TVPB&GĐXH độc lập của Liên hiệp Hội không có, vẫn theo cơ chế nhận hỗ trợ từ trên là nguyên nhân khiến Liên hiệp Hội khó phát huy vai trò, khả năng của mình...” - ông Sinh nói.
Theo ông Đinh Đạo, Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Hội, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, để cải thiện tình trạng yếu kém trên, Liên hiệp Hội cần có sự liên kết các nhà khoa học, có cơ chế thu hút chất xám, trí thức của đội ngũ khoa học trẻ cống hiến cho Quảng Nam. Bên cạnh đó, cần huy động lực lượng khoa học Quảng Nam tại các tỉnh thành trong cả nước, kể cả nước ngoài. Thường xuyên tổ chức các diễn đàn khoa học nhằm thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, các doanh nhân thành đạt.
“Mỗi chi hội cần tổ chức hội thảo chuyên đề hằng quý, mời rộng rãi các nhà khoa học góp ý, đánh giá dưới góc độ khoa học và hiệu quả thực tiễn, mời nhà khoa học tham gia đề án, đề tài KH-CN theo đơn đặt hàng” - ông Đinh Đạo góp ý.
Tại kỳ Đại hội đại biểu lần V, nhiệm kỳ 2011-2016 của Liên hiệp Hội, đánh giá về năng lực hoạt động của Liên hiệp Hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả cho rằng: “Chúng ta không “hành chính hóa” các hoạt động của Liên hiệp Hội và các hội thành viên mà cần “khoa học hóa” các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo KH-CN. Tháo gỡ khó khăn và tăng cường chỉ đạo, định hướng, có cơ chế hỗ trợ cho hoạt động của Liên hiệp Hội là việc làm cần thiết”.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả, để đổi mới cơ chế TVPB&GĐXH, UBND tỉnh sẽ có cơ chế “đặt hàng” và có chương trình hành động cụ thể theo từng năm. Ví dụ, đặt hàng về công tác phòng chống bệnh tật trên gia súc, gia cầm, nghiên cứu khoa học, có nhiều dự án phát triển sâm Ngọc Linh...
Mỗi năm, mỗi thành viên Liên hiệp Hội phải có ít nhất 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp nhà nước, hay tham gia giải pháp sáng tạo. Liên hiệp Hội cần tập hợp những chuyên gia giỏi về KH-CN, đóng góp nhiều ý kiến khách quan, độc lập về những chương trình, dự án lớn trong các lĩnh vực KH-CN, GD-ĐT, Y học; trong việc ban hành chủ trương, chính sách, dự án liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các ý kiến đóng góp phải mang tính xây dựng, có sự đề xuất chính sách, ý tưởng để làm tốt hơn.
                                                                                              Báo Quảng Nam 16/4/2012

 

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
 

Liên Kết Website

 
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập