Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Huỳnh Văn Tịnh – Giám đốc Sở Lao động, thương binh và Xã hội trả lời câu hỏi của đại biểu Giang Thị Thu Nga, tổ đại biểu huyện Trảng Bom về chỉ tiêu, chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh để đáp ứng được nhu cầu lao động tay nghề cao của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Ông cho cho biết, hiện này toàn tỉnh có 67 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hằng năm có khoảng hơn 74 nghìn học viên các hệ từ sơ cấp đến cao đẳng , có gần 16% các doanh nghiệp tuyển dụng trình độ trung cấp, 78% các doanh nghiệp tuyển dụng trình độ cao đẳng và 6% các doanh nghiệp tuyển dụng trình độ đại học. Việc chỉ tiêu về đào tạo nghề do nhiều nguyên nhân, tập trung ở các vấn đề như: các trường đại học mở ra nhiều chỉ tiêu đào tạo nên các gia đình muốn con vào đại học chứ không đi học nghề; công tác thông tin, tuyên truyền về hướng nghiệp còn yếu; tỷ lệ tốt nghiệp ở các cơ sở giáo dục là chưa cao (92%) còn thấp… Ông cho rằng, các Sở, ngành liên quan phải rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tăng quy mô, mở rộng ngành nghề đào tạo, đặc biệt là các ngành trọng điểm; xây dựng đề án về nguồn nhân lực trong các trường nghề, đặc biệt là đội ngũ giáo viên; tổ chức thực hiện mô hình đào tạo kép, liên kết đào tạo với nước ngoài cho lực lượng lao động chất lượng cao; biên soạn lại giáo trình đào tạo đạt chuẩn; làm tốt công tác phân luồng học sinh từ trung học cơ sở; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thành lập trang Website hướng nghiệp… Đại biểu Giang Thị Thu Nga bổ sung thêm giải pháp là trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề như tham gia xây dựng giáo trình đào tạo, cung cấp nhu cầu về ngành nghề tuyển dụng.
Đại biểu Hồ Thị Thanh Trúc đặt câu hỏi với
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đại biểu Hồ Thị Thanh Trúc, tổ đại biểu huyện Định Quán đặt câu hỏi về kết quả và giải pháp việc xây dựng cánh đồng lớn. Giám đốc Sở Nông nhiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho biết, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh có 31 doanh nghiệp và hợp tác xã xây dựng dự án cánh đồng lớn với 12 loại cây trồng, có sự tham gia của gần 8 nghìn hộ dân tham gia. Theo ông, khó khăn hiện nay là nếu các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào cánh đồng lớn thì phải bao tiêu sản phẩm cho nông dân trong suốt quá trình thực hiện… Giải pháp trong thời gian tới là Sở sẽ tuyên truyền và vận động các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là chế biến sau thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với các ngành liên quan đào tạo chuyên môn cho đội ngũ quản lý; tăng cường tuyên truyền tới bà con nông dân việc sản xuất phải theo chuỗi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh
trả lời câu hỏi của đại biểu.
Bên cạnh những câu hỏi trên, các đại biểu cũng tập trung chất vấn về nhiều vấn đề khác như: bất cập liên quan đến vấn đề biên chế viên chức ngành giáo dục; hạn chế về hoạt động của các điểm thông tin khoa học công nghệ; khó khăn trong việc giải quyết tài sản thế chấp liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng.
Chiều 8/12, các đại biểu sẽ xem xét thông qua 24 Nghị quyết liên quan đến tình hình phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng trên địa bàn tỉnh năm 2018./.
Tin và ảnh: Huy Tùng