Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
Liên hiệp Hội Đồng Nai tăng cường tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em
Cập nhật: 14-12-2017 02:34
Sau hàng loạt vụ xâm hại tình dục trẻ em vừa phát hiện thời gian vừa qua, một lần nữa, tình trạng này đã được cảnh báo ở mức độ cao và cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả cộng đồng.
 
Thực hiện chương trình công tác năm 2017, vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Nai đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục tổ chức Tọa đàm “Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” cho giáo viên, phụ huynh của 11 huyện, thị xã, thành phố; tổ chức triển khai thực hiện truyền thông với chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường” cho các em học sinh THCS trên địa bàn ba huyện vùng sâu, vùng xa là Tân Phú, Định Quán và Vĩnh Cửu.
Coi trọng giáo dục kỹ năng phòng, tránh
Theo số liệu công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2011-2015, cả nước phát hiện 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân. Trong đó, số vụ xâm hại tình dục chiếm tới 65% (5.300 vụ). Riêng tại Đồng Nai, tính từ năm 2014-2016, tòa án các cấp đã thụ lý và giải quyết theo thủ tục hình sự sơ thẩm là 307 vụ. Số vụ trẻ bị xâm hại còn lớn hơn nhưng vì nhiều lý do nạn nhân và gia đình chọn cách im lặng. Có những trường hợp do sự lơ là của người lớn hoặc các em bị xâm hại ở những nơi ít ngờ nhất. Điều cần lưu ý ở đây là có tới 93% nghi phạm trong các vụ xâm hại tình dục là người thân quen, thậm chí là họ hàng máu mủ của nạn nhân và gia đình.
Theo Tiến sỹ tâm lý học Lê Minh Công – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do những khó khăn, bất cập trong môi trường giáo dục gia đình và nhà trường, xã hội; học sinh đã tiếp cận nhiều thông tin liên quan đến giới tính từ mạng xã hội, internet; sự lệch lạc tâm lý lứa tuổi và đặc biệt là công tác giáo dục giới tính, kỹ năng sống chưa được quan tâm thực hiện đúng mức. Vấn đề xâm hại tình dục không những làm tổn thương về mặt thể xác trẻ mà còn tổn thương về mặt tinh thần, từ đó dẫn đến tình trạng lệch lạc về hành vi của trẻ trong tương lai, thậm chí là trẻ không coi trọng chính mình, dễ sống buông thả và để lại nỗi đau suốt đời cho trẻ. Ông cho rằng công tác giáo dục kỹ năng sống để phòng ngừa những trường hợp nguy cơ có thể xảy ra là rất yếu và rất thiếu. Nếu như các em biết cách xử lý là ai là những người được phép tiến gần, ai là người không được phép tiến gần hoặc ai là những người động chạm hoặc là vùng kín trên cơ thể là những vùng như thế nào. Nếu như chỉ như vậy thì các em đã được biết rất là nhiều và có thể phòng tránh rất nhiều nguy cơ xấu có thể xảy ra.
Trao đổi với ông Trần Quang Toại – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Đồng Nai về vấn đề thực tế xâm hại tình dục hiện nay, ông cho rằng, việc trang bị các kiến thức về sức khỏe giới tính và phòng chống xâm hại không phải trường nào cũng có ý thức và năng lực triển khai một cách bài bản. Và đây là một vấn đề nhạy cảm với cả giáo viên và phụ huynh, họ không được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này, ngoại trừ giáo viên môn Sinh học có kiến thức chuyên môn liên quan đến môn học, còn lại các giáo viên khác không được đào tạo bài bản để dạy học sinh. Và để giải quyết vấn đề này, cần phối hợp với những chuyên gia có kiến thức sâu về giới tính để có thể hòa nhập với tâm lý học sinh, định hướng cho học sinh từ những chia sẻ thực tế. Sắp tới, Liên hiệp Hội Đồng Nai sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo mời chuyên gia đến nói chuyện với phụ huynh học sinh các trường, đặc biệt là các trường THCS, vì lứa tuổi này đang có sự thay đổi tâm lý cực kỳ nhiều.
Hướng các em tới “Chân - Thiện - Mỹ”
Theo một nghiên cứu của những nhà chuyên môn, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau. Tình trạng bạo lực trong trường học đã và đang diễn ra nóng bỏng trên khắp cả nước ở tất cả những cấp học, lớp học khác nhau, mức độ ngày càng gia tăng, hậu quả nghiêm trọng.

 Viện trưởng Viện Quản trị tri thức thành phố Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Thanh Tùng cho biết, nguyên nhân bạo lực học đường chủ yếu thể hiện ở những hành vi gây gổ giữa các học sinh. Nguyên nhân dẫn đến hành vi ấy có thể bắt nguồn từ sự ghen tị, hay những hiềm khích nhỏ như một ánh mắt “nhìn đểu”, một câu nói đùa, nhìn thấy ghét thì đánh, thậm chí vì lý do “tình ái”… Bên cạnh đó, hiện tượng gán ghép bạn bè bằng những biệt hiệu xấu dẫn đến việc bạn bè xấu hổ, e ngại; nói xấu sau lưng bạn, cô lập, tránh tiếp xúc với bạn một cách có chủ ý… cũng vẫn tồn tại trong cộng đồng học sinh. Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường là tâm lý lứa tuổi, do gia đình ít quan tâm sát sao, ảnh hưởng của phim ảnh, bạo lực…

LHH VOI CONG TAC PBKT (2).PNG

Ông cho rằng, thực tế hiện nay, mỗi trường có những cách và biện pháp phòng tránh bạo lực, ví dụ có  trường thành lập đội ngũ tư vấn tự quản, kết hợp với việc lập đường dây nóng, giải quyết kịp thời các sự việc khi còn manh nha. Các thầy cô giáo, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm luôn gần gũi, quan tâm, chia sẻ với các em những tâm tư, tình cảm, những khúc mắc của tuổi mới lớn, những mâu thuẫn tưởng chừng rất đơn giản.
Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, trường nên áp dụng là ngay từ khi nhận lớp, ngoài việc tìm hiểu học bạ, sơ yếu lý lịch và hoàn cảnh gia đình của từng học sinh, các giáo viên chủ nhiệm nên lên kế hoạch tìm hiểu địa bàn sinh sống của học sinh để tiện cho việc phân công đôi bạn cùng tiến và chia nhóm kịp thời thông tin liên lạc giữa giáo viên chủ nhiệm với các học sinh, các gia đình cùng khu vực nhằm kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và tổ dân phố trong việc giáo dục đạo đức học sinh. Các hoạt động trên kết hợp với việc dạy đạo đức học sinh, kỹ năng sống và nêu cao trách nhiệm giáo viên chủ nhiệm.
Ông cũng đưa ra lời khuyên, đó là tùy tình hình thực tế, có 7 biện pháp để ngăn ngừa và giải quyết các vấn đề bạo lực trên cơ sở giới hoặc những mâu thuẫn khác của các em gái trong trường học là tổ chức các khóa học kỹ năng sống, khóa học về tâm sinh lý lứa tuổi học đường, giới tính, bình đẳng giới, phương pháp giáo viên chủ nhiệm giỏi, dạy đạo đức cho sinh, tổ chức các ngày lễ tôn vinh… Đặc biệt, trường lập các Hội đồng kỷ luật học sinh vi phạm nhằm mục đích chính là răn đe học sinh nhưng luôn tạo cơ hội cho các em sửa chữa và tiến bộ.
LHH VOI CONG TAC PBKT (1).PNG

Để giải quyết các vấn đề bạo lực học đường cần sự chung tay, chung sức của các bậc cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm và các lực lượng giáo dục trong nhà trường cũng như các lực lượng chức năng trong xã hội. Đặc biệt, cha mẹ cần nắm rõ đặc điểm tâm sinh lý lứa tổi của các con mình, cần quan tâm tới các con một cách toàn diện cả về mặc vật chất lẫn tinh thần. Cha mẹ cần trang bị cho mình và trang bị cho con những kỹ năng sống cần thiết để tránh xa bạo lực giới và tự bảo vệ mình trước bạo lực giới. Nếu thấy dấu hiệu bạo lực giới xảy ra với con mình cần báo cáo, chia sẻ với thầy cô giáo, nhà trường, lực lượng chức năng để tìm phương án giải quyết, giúp đỡ cho con. Từ đó, hướng các các em tới “Chân – Thiện – Mỹ” cao đẹp và nhân ái./.
                                                                                                                                    Huy Tùng
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
 

Liên Kết Website

 
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: TS. Vy Văn Vũ - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập