Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Đồng Nai Trần Quang Toại
phát biểu khai mạc Chương trình.
Tại các buổi nói chuyện, các Báo cáo viên đã cung cấp kiến thức, kỹ năng ứng xử văn hóa giúp các em cơ bản biết một số kỹ năng giao tiếp với thầy cô, bạn bè, gia đình, xã hội và đặc biệt biết được thế nào là hành vi bạo lực, bạo lực học đường, hậu quả của bạo lực học đường và biện pháp phòng chống không để xảy ra bạo lực học đường.
Viện trưởng Viện Quản trị tri thức TP.HCM TS. Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ với các em học sinh.
Theo TS. Nguyễn Thanh Tùng – Viện trưởng Viện Quản trị tri thức thành phố Hồ Chí Minh thì nguyên nhân bạo lực học đường chủ yếu thể hiện ở những hành vi gây mâu thuẫn giữa các học sinh. Hành vi ấy có thể bắt nguồn từ sự ghen tị, hay những hiềm khích nhỏ như một ánh mắt “nhìn đểu”, một câu nói đùa, nhìn thấy ghét thì đánh, thậm chí vì lý do “tình ái”. Bên cạnh đó, hiện tượng gán ghép bạn bè bằng những biệt hiệu xấu dẫn đến việc bạn bè xấu hổ, e ngại; nói xấu sau lưng bạn, cô lập, tránh tiếp xúc với bạn một cách có chủ ý… cũng vẫn tồn tại trong cộng đồng học sinh. Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường là tâm lý lứa tuổi, do gia đình ít quan tâm sát sao, ảnh hưởng của phim ảnh, bạo lực…
Các em lắng nghe bài giảng của TS. Lê Minh Công,
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Đồng Nai.
Với những nghiên cứu của mình, TS. Lê Minh Công – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Đồng Nai đã chia sẻ những kiến thức về thực trạng bạo lực học đường đang diễn ra trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng với những con số đáng báo động. Ông cũng trao đổi với các em học sinh về những kỹ năng tự vệ cần thiết để có thể tự bảo vệ mình trước vấn nạn bạo lực học đường như các kỹ năng làm chủ công nghệ thông tin, làm chủ và xử lý tình huống, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn… để tỉnh táo, bình tĩnh hơn trong giao tiếp và cuộc sống hàng ngày.
Xây dựng hiệu quả mô hình “Trường học thân thiện – Học sinh tích cực”.
Theo đó, với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” thì nhà trường nên áp dụng các biện pháp là ngay từ khi nhận lớp, ngoài việc tìm hiểu học bạ, sơ yếu lý lịch và hoàn cảnh gia đình của từng học sinh, các giáo viên chủ nhiệm nên lên kế hoạch tìm hiểu địa bàn sinh sống của học sinh để tiện cho việc phân công đôi bạn cùng tiến và chia nhóm kịp thời thông tin liên lạc giữa giáo viên chủ nhiệm với các học sinh, các gia đình cùng khu vực nhằm kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và tổ dân phố trong việc giáo dục đạo đức học sinh. Các hoạt động trên kết hợp với việc dạy đạo đức học sinh, kỹ năng sống và nêu cao trách nhiệm giáo viên chủ nhiệm.
Các buổi truyền thông đã thu hút các em học sinh lắng nghe và trao đổi cởi mở với các Báo cáo viên, qua đó nâng cao hơn nữa nhận thức trong học sinh về bạo lực học đường, ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả, tham gia vào công tác xây dựng “Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực” ở trong nhà trường hiện nay.
Theo kế hoạch, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các lớp truyền thông chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường” tại các huyện: Định Quán và Vĩnh Cửu trong thời gian tháng 5 và tháng 10 tới đây./.
Tin và ảnh: Huy Tùng