Những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra ngày càng gay gắt trên phạm vi toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến tùng vùng, trên nhiều lĩnh vực, đăc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn như: ngập úng, lũ quét đã và đang có nhiều tác động xấu, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và tình hình phát triển kinh tế, xã hội cả nước nói chung và của tỉnh Đồng Nai. Nhận thức rõ ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu, nhằm đánh giá tác động và kiến nghị những giải pháp cho người dân thích ứng với biến đổi khí hậu torng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; là cơ sở để các Sở ngành và các địa phương tổ chức triển khai các chương trình, dự án và các hoạt động nhằm hạn chế và ứng phó với BĐKH, vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và địa phương, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp.
Hình 1 – Quang cảnh hội thảo
Ngày 11/7/2017, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Ứng phó với Biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”. Đồng chủ trì Hội thảo có TS. Vy Văn Vũ – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; ThS. Đặng Minh Đức – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; ThS. Trần Đình Minh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và hơn 50 đại biểu lãnh đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, các phòng chuyên môn ở các huyện, các Hội thành viên, các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài tỉnh.
Hội thảo tập trung thảo luận chủ đề chính gồm: (1). Tác động của BĐKH đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; Lồng ghép ứng phó BĐKH trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và các khuyến nghị về chính sách để thích ứng với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp; (2). Thích ứng, giảm thiểu tác động của BĐKH và đề xuất hệ thống giải pháp giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp cho người dân.
ThS. Hoàng Văn Thống – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Đồng Nai- tham luận tại hội thảo
Công tác quy hoạch, xây dựng kịch bản ứng phó BĐKH luôn được quan tâm đúng mức của các cơ quan quản lý, trong đó trọng tâm là giải pháp bảo vệ nguồn nước, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Bên cạnh đó, công tác định hướng quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp của từng địa phương, từng lĩnh vực cũng có những giải pháp riêng để thích ứng BĐKH như các giải pháp về công trình và phi công trình thủy lợi nhằm tạo nguồn, ngăn mặn, tiêu thoát lũ.
Theo GS. Nguyễn Văn Phước – Viện trưởng viện Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh, Ứng phó với vấn đề BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính đang là bài toán chung cho tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Dựa trên một số kinh nghiệm từ trong và ngoài nước để đưa ra giải pháp giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động nông nghiệp nhằm đóng góp vào công cuộc chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong đó, giải pháp quản lý chế độ nước mặt ruộng, bón phân hợp lý theo hướng dẫn của các nhà khoa học, xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm Biogas, sử dụng chế phẩm EM và kết hợp mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với thực vật thuỷ sinh,… được xem là hiệu quả và kinh tế nhất.
Một yếu tố nữa là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để ứng phó BĐKH nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp như: ThS. Nguyễn Văn Liệt, ThS. Hoàng Đắc Hiệt, ThS Phạm Đình Dũng – việc ứng dụng một số kỹ thuật mới trong canh tác, giúp người nông dân chủ động trong sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản trên đơn vị diện tích và xây dựng thương hiệu cho nông sản là giải pháp tất yếu trong thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay và trong tương lai.
Các báo cáo tham luận tại Hội thảo đã đánh giá nhiều mặt về hiệu quả công tác quy hoạch và thực hiện các giải pháp thích ứng với BĐKH cho người nông dân của tỉnh trong thời gian qua. Các giải pháp đề xuất tại hội thảo của các nhà quản lý, nhà khoa học, sẽ được tiếp tục nghiên cứu để góp phần tham mưu cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời gian tới./.
Lê Văn Nghĩa