Buổi sinh hoạt đã thu hút trên 150 trẻ em và các bậc phụ huynh cùng tham dự. Tại đây, các phụ huynh có con bị mắc hội chứng tự kỷ đã cùng nhau chia sẻ và trao đổi các kinh nghiệm trong việc điều trị hội chứng tự kỷ của con em mình. Nhiều trẻ bị mắc hội chứng tự kỷ đã thể hiện những nỗ lực trong quá trình khắc phục vươn lên hòa nhập cộng đồng thông qua các sản phẩm tranh vẽ, các tiết mục múa và tiểu phẩm sân khấu biểu diễn tại buổi sinh hoạt.
Hình 1: Quang cảnh buổi sinh hoạt
Theo Tiến sĩ tâm lý học Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức : ngày 2/4 hàng năm được Liên Hiệp Quốc chọn là “Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ”, với mục đích khuyến cáo các quốc gia tăng cường sự quan tâm đến hội chứng này. “Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời được phát hiện trong vòng 3 năm đầu đời. Tự kỷ là do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ và có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo hay địa vị xã hội. Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội; khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ/phi ngôn ngữ và hành vi, sở thích mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại nhiều lần.” Vào dịp này hàng năm, khắp thế giới và tại Việt Nam đều có các hoạt động vì người tự kỷ. Năm 2018 “Ngày nhận thức về Tự kỷ” được tổ chức với thông điệp: “Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái tự kỷ” sự kiện được quan tâm, chú ý các trung tâm can thiệp, các gia đình tự kỷ trên mọi miền đất nước; sự kiện đã làm thức dậy rất nhiều hy vọng và lòng quyết tâm của bố mẹ đồng hành cùng con trên con đường hòa nhập; đặc biệt đã khơi gợi trong cộng đồng sự thấu hiểu đối với người tự kỷ. Buổi sinh hoạt nêu trên nhằm mong muốn cộng đồng nhận thức đúng về tự kỷ, mở lòng và hỗ trợ đúng cách để các em tự kỷ được sống bình đẳng, phát triển năng lực, đóng góp cho xã hội. Đồng thời, tạo ra một cộng đồng thân thiện với người tự kỷ. Đó cũng là cơ hội lớn để các em có thể hòa nhập vào cuộc sống.
Lê Nghĩa