Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
Nữ hộ sinh trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản
Cập nhật: 06-08-2018 02:33
Nhằm chia sẻ kinh nghiệm về chuyên môn và giao lưu nghề nghiệp, cập nhật những tiến bộ mới, sáng 30/6, tại Nhà khách 71, Hội Nữ hộ sinh tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học Chủ đề “Nữ hộ sinh trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản”. Dự Hội thảo có đại diện Sở Y tế, các chuyên gia thuộc các bệnh viện trong và ngoài tỉnh cùng với hơn 120 hội viên Hội Nữ hộ sinh.
 
Khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội Nữ hộ sinh tỉnh Lê Thị Tiết cho biết, vai trò của các nữ hộ sinh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản là rất quan trọng. Bên cạnh đội ngũ chuyên gia, bác sỹ đầu ngành thì đội ngũ nữ hộ sinh đã có đóng góp rất quan trọng giúp cho ngành Y tế Việt Nam đạt được mục tiêu thiên niên kỷ (giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh), đây chính là cánh tay nối dài của đội ngũ các chuyên gia, bác sỹ, trực tiếp từng ngày, từng giờ giúp chăm sóc sâu sát cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe của các bà mẹ và trẻ em trong tình hình hiện nay.
Các đại biểu lắng nghe những chia sẻ từ đội ngũ chuyên gia, bác sỹ về công tác chuyên môn tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, bác sỹ trình bày và trao đổi với các đại biểu về các vấn đề: “Các yếu tố liên quan đến tình trạng sinh non tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai”, “Thời gian trung bình xuất hiện hội chứng mãn kinh ở phụ nữ mãn kinh do phẫu thuật tại Bệnh viện Từ Dũ”, “Khảo sát kiến thức, thái độ về thu gom, phân loại rác thải y tế của học sinh sinh viên năm cuối” và “Chuẩn năng lực cơ bản của hộ sinh Việt Nam”.
Theo ThS BS Nguyễn Mạnh Hoan, Bệnh viên Đa khoa Đồng Nai, tại Đồng Nai, tỷ lệ sinh non (từ khi trẻ sinh ra từ tuần thứ 22 đến trước 37 tuần tuổi) năm 2015 là 1,4% (776 ca), năm 2016 là 2,6% (851 ca), tỷ lệ tử vong do sinh non là 25%. Các mối liên quan đến sinh non được nghiên cứu chi tiết, cụ thể như: thời gian đứng 1 chỗ làm việc >6 giờ/ ngày làm tăng nguy cơ sinh non 3,02 lần; mang vật nặng >52kg khi làm việc tăng nguy cơ 3,59 lần; không hài lòng với công việc tăng 3,29 lần; làm việc chịu sức ép tăng nguy cơ 2,21 lần; quan hệ tình dục khi thai nhi bước vào 3 tháng cuối tăng nguy cơ 7,69 lần và chỉ ra được các nguy cơ liên quan đến sinh non là các bệnh về hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, miễn dịch.
Các bác sỹ đến từ Bệnh viên Từ Dũ (thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ thông tin về thời gian trung bình xuất hiện hội chứng mãn kinh ở phụ nữ mãn kinh do phẫu thuật tại Bệnh viện Từ Dũ. Khác với mãn kinh tự nhiên (MKTN), sau phẫu thuật cắt hai buồng trứng, người phụ nữ sẽ phải chịu tình trạng ngưng nội tiết đột ngột dẫn đến những thay đổi khó chịu ngay lập tức. Hội chứng này ở những phụ nữ MKPT có khuynh hướng nặng nề hơn phụ nữ MKTN và có ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sức khỏe và cuộc sống của phụ nữ. Các bác sỹ cũng khuyến nghị rằng, phẫu thuật viên nên xem xét và cân nhắc giữ lại buồn trứng ở phụ nữ từ 50 tuổi trở xuống và nên cân nhắc tư vấn điều trị liệu pháp nội tiết nếu cần điều trị ở thời điểm 4 tuần sau phẫu thuật nhằm giảm ảnh hưởng của HCMK lên chất lượng cuộc sống của phụ nữ.
 
Bà Đỗ Thị Kim Hồng – Chủ nhiệm Bộ môn SKSS, trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai chia sẻ
thông tin về Chuẩn năng lực cơ bản của hộ sinh Việt Nam.
Theo bà Đỗ Thị Kim Hồng – Chủ nhiệm Bộ môn SKSS, trường Cao Đẳng Y tế Đồng Nai cho biết, lực lượng hộ sinh là đội ngũ nhân lực y tế đã được đào tạo và sử dụng ở nước ta từ những năm 40 của thế kỷ XX. Trong hoạt động của mình, người hộ sinh luôn đồng hành cùng các bà mẹ trong các cuộc sinh đẻ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trước, trong và sau sinh. Dưới sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), Bộ Y tế phối hợp với Hội Nữ hộ sinh Việt Nam đã xây dựng “Chuẩn năng lực cơ bản của hộ sinh Việt Nam”, đây chính là cơ sở cho việc xây dựng chương trình đào tạo hộ sinh, góp phần tăng cường chất lượng nguồn nhân lực hộ sinh, đáp ứng yêu cầu hội  nhập các nước trong khu vực.
Có thể thấy, ngoài nhiệm vụ chăm sóc bà mẹ và trẻ em, nữ hộ sinh còn thực hiện những nhiệm vụ chuyên môn khác tại cơ sở y tế và cộng đồng như: tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở mọi lứa tuổi; khám và điệu trị một số tình trạng bệnh lý phụ khoa thông thường; tư vấn và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, tư vấn và phát hiện phá thai an toàn với tuổi thai dưới 7 tuần; chăm sóc sức khỏe trẻ em dưới 5 tuổi; tiêm chủng mở rộng… Tính đến năm 2013, ở nước ta có 63 cơ sở đào tạo hộ sinh trình độ trung cấp, 20 cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng và một số trường đại học đào tạo cử nhân điều dưỡng chuyên ngành sản phụ. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa đồng bộ, vì chuẩn năng lực mới được ban hành chưa được tập huấn rộng rãi cho các cơ sở y tế có hộ sinh nên chưa thực hiện triển khai dạy và làm theo chuẩn năng lực hộ sinh tại các trường học và cơ sở y tế.
“Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà vượt cạn mồ côi một mình”. Ngoài chuyên môn, các nữ hộ sinh còn có sự hiểu biết về đời sống văn hóa xã hội, đạo đức nghề nghiệp y tế cộng đồng để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em” – Chủ tịch Hội Nữ hộ sinh tỉnh Lê Thị Tiết kết luận Hội thảo./.
                                                                                                                                                                                              Tin và ảnh: Huy Tùng
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
 

Liên Kết Website

 
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập