Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
Hội đồng tổng kết nghiệm thu đề tài “Phân lập, tuyển chọn một số vi khuẩn probiotic phục vụ nuôi tôm thẻ chân trắng tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai”
Cập nhật: 07-11-2018 08:23
Ngày 30/10/2018, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Nai tổ chức Hội đồng Khoa học công nghệ chuyên ngành tổng kết nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Phân lập, tuyển chọn một số vi khuẩn probiotic phục vụ nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai” do ThS. Đoàn Thị Tuyết Lê làm chủ nhiệm đề tài; Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Ứng dụng - Đại Học Lạc Hồng là đơn vị thực hiện.
 Hinh 1 TS.VyVanVu chu tri hoi nghi.jpg
 
Hình 1- TS. Vy Văn Vũ - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT
- Chủ trì Hội nghị nghiệm thu đề tài
Hội đồng nghiệm thu gồm: TS. Vy Văn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Nai, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Ngô Kế Sương, Nguyên viện trưởng - Viện sinh học nhiệt đới Tp. HCM, ủy viên phản biện 1; TS. Nguyễn Văn Nguyện, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dinh dưỡng thức ăn và sau thu hoạch - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, ủy viên phản biện 2 và một số thành viên cùng tham gia hội đồng. Tham dự Hội đồng với cương vị khách mời còn có đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Ứng dụng - Đại Học Lạc Hồng, thành viên nhóm nghiên cứu...
Chế phẩm sinh học (probiotic) được xem như là một “nhân tố sinh học thân thiện” được sử dụng trong môi trường nuôi thủy sản nhằm kiểm soát và cạnh tranh với các tác nhân gây bệnh từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng của vật nuôi. Tuy nhiên, với mục đích tăng năng suất và chất lượng sản phẩm trong nuôi trồng thủy sản, người nuôi đã lạm dụng các chế phẩm sinh học không rõ nguồn gốc, dẫn đến ô nhiễm môi trường làm lây lan dịch bệnh, gây hiện tượng tôm cá chết hàng loạt. Mặt khác, nhiều người nuôi chưa nhận thức được mức độ nguy hại của việc sử dụng bừa bãi thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi tôm, cá dẫn đến hiện tượng nhiễm chất kháng sinh hàm lượng cao ở nhiều loại sản phẩm, làm giảm chất lượng, hàng hóa không xuất khẩu được...
Ngày 8/02/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 531/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Quy hoạch chi tiết khu nuôi thủy sản tập trung huyện Nhơn Trạch giai đoạn 2017-2020, hướng đến 2030”. Dự án nhằm giải quyết vấn đề công nghệ, dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Tạo môi trường thuận lợi để  xây dựng mô hình và thu hút doanh nghiệp có đủ năng lực đầu tư nuôi tôm thẻ phát triển bền vững, đa dạng hình thức nuôi, tăng nguồn nguyên liệu thủy sản cho tiêu dùng nội địa và phục vụ chế biến xuất khẩu.
Hinh 2-Quang canh TKNT Probiotic.jpg
Hình 2 – Quang cảnh Hội đồng Tổng kết nghiệm thu đề tài Probiotic
Do vậy, nhóm tác giả Đoàn Thị Tuyết Lê đã tiến hành nghiên cứu ứng dụng những vi sinh vật hữu ích để tạo ra các chế phẩm sinh học trong nước có hiệu quả cao nhằm tăng sức đề kháng và khả năng sinh trưởng của tôm thẻ chân trắng tại huyện Nhơn Trạch, giảm sử dụng thuốc và hóa chất, hướng tới sự phát triển ngành thủy sản bền vững ở Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung là điều rất cần thiết. Đề tài được thực hiện với mục tiêu nghiên cứu phân lập, tuyển chọn vi khuẩn probiotic có ích, phục vụ nuôi tôm thẻ chân trắng, từ đó hoàn thiện chế phẩm sinh học quy mô phòng thí nghiệm có khả năng ứng dụng trong ao nuôi tôm và xây dựng quy trình nuôi cấy các chủng lợi khuẩn đã phân lập và tuyển chọn.
Sau hơn 16 tháng nghiên cứu thử nghiệm, kết quả nghiên cứu của đề tài đã phân lập được 8 chủng vi khuẩn từ ao nuôi tôm, có khả năng tiết enzyme ngoại bào. Dựa vào những đặc điểm sinh hóa, khả năng kháng khuẩn và các kỹ thuật sinh học phân tử đã định danh và lựa chọn được 4 chủng vi khuẩn probiotic, trong đó có 3 chủng thuộc chi Lactobacillus, 01 chủng thuộc chi Bacillus có hoạt tính enzym cao, kháng khuẩn tốt làm bộ chủng giống để sản xuất chế phẩm sinh học. Từ 4 chủng vi sinh vật này, đề tài đã chọn ra 02 chủng tối ưu nhất để xây dựng hoàn thiện quy trình phân lập, tuyển chọn và nuôi cấy chủng vi sinh vật.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả bước đầu của đề tài, thể hiện tác phong làm việc nghiêm túc, đầy trách nhiệm của Ban chủ nhiệm. Đây là bước đệm để nhóm nghiên cứu tiếp tục thực hiện giai đoạn hai là thực nghiệm tại ao tôm bằng nhiều phương pháp khác nhau, từ đó đưa vào sản xuất chế phẩm probiotic quy mô công nghiệp, dùng để bổ sung vào thức ăn hoặc xử lý môi trường ao nuôi trên diện rộng.
                                                                                                                                                                        Lê Nghĩa
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
 

Liên Kết Website

 
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: TS. Vy Văn Vũ - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập