OCOP là chữ viết tắt cụm từ tiếng Anh “One Commune One Product” - Chương trình thực hiện theo Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Quyết định phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020. Chương trình được hình thành với mục tiêu tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu mang tính đặc trưng lợi thế của mỗi vùng, mỗi xã, đáp ứng cho tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.
Tại hội thảo, đại diện đơn vị tư vấn đã báo cáo tóm tắt Đề án “Chương quốc gia Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 – 2025, định hướng đến năm 2035”. Đề án đã làm rõ thực trạng phát triển mỗi xã mỗi sản phẩm trên địa bàn tỉnh; Bài học kinh nghiệm cho Chương trình OCOP Đồng Nai từ kinh nghiệm từ một số mô hình điển hình trong nước (Quảng Ninh) và nước ngoài (Nhật bản, Thái Lan…); Các giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình…
Đ/c Vy Văn Vũ – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Đồng Nai phát biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo
Hội thảo đã đánh giá cao tính lý luận và thực tiễn của Đề án, báo cáo đề án soạn thảo công phu, có chất lượng, có số liệu, các hình ảnh minh họa bổ sung, các biểu mẫu có độ tin cậy cao, bố cục hợp lý. Đề án đã bám sát mục tiêu, nội dung nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu thực tế, sử dụng các phương pháp nghiên cứu nhằm hoàn thiện các mục tiêu, nội dung nghiên cứu đã đề ra.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã góp ý một số nội dung bổ sung vào đề án, cụ thể: Cần phân tích, làm rõ hơn nữa các số liệu minh chứng; Chỉnh sửa lại hợp lý một số bố cục trong đề án; Đồng thời, cần phân tích làm rõ các bài học kinh nghiệm, đâu là bài học chính cần quan tâm (Có phải do cơ chế chính sách, do thủ tục hành chính, hay do nguồn nhân lực), từ những bài học này mới định ra phương hướng và các giải pháp mà đề án đã đề cập. Mặt khác, so với các tỉnh, thành trong cả nước, Đồng Nai là tỉnh đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, nhưng đến nay mới manh nha xây dựng đề án là quá chậm, vì vậy cần phải có sự tập trung vào cuộc cả hệ thống chính trị mà nòng cốt là Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tiễn của tỉnh, để chương trình triển khai nhanh và hiệu quả, cần ưu tiên triển khai 3 nhóm sản phẩm mà Đồng Nai có thế mạnh, đó là nhóm thực phẩm, nhóm đồ uống và nhóm thủ công mỹ nghệ - trang trí nội thất….
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị đơn vị tư vấn nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu để chỉnh sửa, bổ sung đề án được hoàn thiện trước khi trình Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
Dương Phúc