Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
Đồng Nai với công tác tổ chức, tuyển chọn Sách vàng Sáng tạo Việt Nam
Cập nhật: 07-08-2020 08:50
Ra đời từ năm 2016, Sách vàng Sáng tạo Việt Nam do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan tổ chức công bố hàng năm nhằm tuyên truyền, biểu dương các sáng tạo trên lĩnh vực khoa học và công nghệ; khẳng định năng lực sáng tạo của người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài trong phát triển kinh tế, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
 

Kết quả qua 3 năm tuyển chọn Sách vàng cho thấy, phong trào sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh có bước phát triển, nhiều công trình, giải pháp có giá trị khoa học công nghệ cao, có hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường lớn trong sản xuất kinh doanh và quản lý ở doanh nghiệp. Các đơn vị và cá nhân tích cực tham gia Sách vàng Sáng tạo Việt Nam như: Trường Đại học Lạc Hồng, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai, Công ty TNHH Nhựa & Hóa Chất TPC VINA, anh Lê Văn Hiệp ngụ tại thành phố Long Khánh, anh Nguyễn Văn Anh, ngụ tại huyện Cẩm Mỹ,…dưới đây là 3 công trình tiêu biểu nhất tham gia Sách vàng Sáng tạo Việt Nam:

Công trình: “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy in Chocolate 3D”, do TS. Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng, làm chủ nhiệm, được đăng trong kỷ yếu Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2016. Cũng như các máy in 3D sử dụng các nguyên liệu khác, in 3D Chocolate cũng là công nghệ in theo lớp, chocolate nóng chảy chứa trong xi lanh được ép ra khỏi đầu phun – in ra từng lớp chocolate để tạo ra hình dạng 3D mà không cần thiết bị tạo khuôn. Việc khó khăn nhất trong công nghệ in 3D chocolate là phải nghiên cứu chính xác để đảm bảo nhiệt độ nóng lạnh của chocolate trong các giai đoạn in khác nhau để từng lớp chocolate có thể kết dính tạo thành vật thể 3D. Ngoài ra, theo nguyên tắc công nghệ in từng lớp, tất cả mọi thứ đều có thể in được và quan trọng hơn tất cả việc tạo hình, vẽ, viết chỉnh sửa đều có thể thực hiện được bằng máy. Đều này cho phép máy in 3D chocolate tạo ra nhiều sản phẩm 3D chocolate có hình dáng đa dạng với độ khó cao mà cách thực làm truyền thống không thể thực hiện được.

hinh 1 May in 3D.jpg
Hình 1: Máy in 3D

Có thể nói, việc hoàn thiện máy in Chocolate được chế tạo trong nước trên nền công nghệ in 3D của nhóm tác giả Khoa Cơ điện – Điện tử, trường Đại học Lạc Hồng đánh dấu bước tiến quan trọng trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật tại các trường đại học hiện nay. Qua quá trình sử dụng thực nghiệm sau chế tạo cho thấy, máy in Chocolate 3D đã tạo ra những sản phẩm không hề thua kém về mẫu mã, chất lượng so với các loại máy in Chocolate xuất xứ nước ngoài hiện có trên thị trường. Máy in Chocolate 3D ứng dụng làm mẫu bánh với giá thành khoảng từ 5-7 triệu đồng/máy. Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã được Trung tâm dạy nghề Rosa đặt hàng thực hiện chuyển giao một số máy in bánh Chocolate 3D.

Giải pháp “Máy nông nghiệp đa năng”, do thầy Lê Văn Hiệp – giáo viên trường THCS Ngô Quyền, Tp. Long Khánh, Đồng Nai – làm chủ nhiệm, được đăng trong kỷ yếu Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2017. Xuất phát từ nhu cầu làm vườn, anh Hiệp đã nảy sinh ý định tận dụng động cơ xe máy cũ để chế tạo máy làm cỏ cho 5 sào vườn cây ăn trái trong gia đình. Tuy nhiên, nhận thấy công đoạn chăm sóc, trồng trọt cho 5 sào vườn cây có quá nhiều việc như: tưới nước, xới đất, xịt thuốc sâu… nên anh Hiệp nảy sinh ý tưởng bổ sung thêm các chức năng khác cho máy. Khó khăn nhất trong quá trình thiết kế và chế tạo chiếc máy nông nghiệp đa năng này là phải phù hợp với thực tiễn, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho việc tháo lắp các bộ phận để phù hợp với công năng sử dụng.

Máy nông nghiệp đa năng do anh Hiệp sáng chế có nhiều ưu điểm như: dùng động cơ chạy xăng, công suất máy lớn, chế tạo đơn giản có thể triển khai ngay với trình độ kỹ thuật và vật tư trong nước hiện nay; thích hợp với qui mô sản xuất nông nghiệp hộ gia đình có giá thành thấp khoảng 5 triệu đồng,… Đặc biệt, máy nông nghiệp đa năng này có thể thực hiện 12 công việc khác nhau như: cắt cỏ, cưa gỗ, bơm nước, phát điện, đánh rong sân nhà, xới đất, khoan đất, xịt thuốc sâu, rửa xe, khoan hố trồng cây,… anh Lê Văn Hiệp mong muốn sẽ chuyển giao rộng rãi sản phẩm máy đa năng này để giúp nông dân giảm công lao động, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nông thôn.

Công trình “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy quấn bó thanh nhôm” do TS. Phạm Văn Toản - Trưởng khoa Cơ điện tử - Trường Đại học Lạc Hồng, làm chủ nhiệm, là một trong những công trình giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ tiêu biểu được Ban tổ chức Sách vàng sáng tạo Việt Nam vinh danh trong năm 2018.

Trong các nhà máy sản xuất thanh nhôm, công đoạn quấn bó và kiểm tra thanh nhôm trong quy trình sản xuất nhôm thành phẩm và bán thành phẩm tại doanh nghiệp trước đây chủ yếu làm thủ công tại cả 4 dây chuyền đóng gói. Cách làm khiến cho doanh nghiệp phải bố trí 4 nhân công phụ trách, nhưng quan trọng là chất lượng sản phẩm không đồng đều, làm tăng chi phí giá thành sản phẩm.

Hệ thống máy quấn bó hoạt động bán tự động. Máy sử dụng hệ thống khí nén và động cơ AC được điều khiển thông qua hệ thống PLC của hãng Mitshubishi. Thiết kế của máy nhỏ gọn với 3 cụm cơ cấu chính: cụm định vị nhôm, cụm kẹp/cắt băng quấn (strech film), cụm cơ cấu quấn băng quấn lên thanh nhôm. Sản phẩm quấn bằng máy có phần dư stretch film và phần dư sau khi cắt luôn luôn đều nhau. Bởi vì khi quấn bằng máy tốc độ luôn ổn định, dùng dao để cắt stretch film nên phần dư sau khi cắt là bằng nhau. Hơn nữa sản phẩm sau khi quấn không phụ thuộc vào kỹ năng, tâm trạng, sức khoẻ và thể chất của người thao tác.

Hinh 2 May quan bo thanh nhom.jpg
Hình 2: Máy quấn bó thanh nhôm

Sau khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng, cả 4 máy quấn bó đều hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong sản xuất thành phẩm từ nhôm. Sản phẩm làm ra có độ tin cậy cao, chất lượng đồng đều do áp dụng công nghệ tiên tiến vào dây chuyền sản xuất, thay thế lao động thủ công bằng máy móc hiện đại, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất của sản phẩm tạo môi trường làm việc an toàn – không độc hại cho công nhân, đảm bảo sự đồng đều về chất lượng của sản phẩm nhôm cũng như cho phép tự động hóa khâu sắp xếp, đóng gói theo đúng kích cỡ, hình dạng đã được định sẵn giúp tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.

          Việc công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam hàng năm là hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo ứng dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương. Đồng thời tiếp tục cổ vũ, tôn vinh, khẳng định sự trân trọng đối với các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, có đóng góp hiệu quả trong hoạt động khoa học, công nghệ; Khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo; nâng cao chất lượng cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực vào xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

                                                                                                                                                                                                                 Lê Nghĩa (tổng hợp)

                                                                                                                                                                                      ảnh: Hải Yến, Công Nghĩa – báo Đồng Nai

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
 

Liên Kết Website

 
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: TS. Vy Văn Vũ - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập