Từ 15 tổ chức thành viên khi thành lập năm 1983, đến nay Liên hiệp Hội Việt Nam phát triển lên 150 Hội thành viên, trong đó có 87 Hội ngành toàn quốc và 63 Liên hiệp Hội tỉnh, thành phố với 3,7 triệu hội viên. Điều lệ Liên hiệp Hội Việt Nam (khóa VII) xác định rõ 5 nhóm nhiệm vụ chính, đó là: Xây dựng và phát triển tổ chức; Vận động trí thức khoa học và công nghệ; Tổ chức thực hiện các hoạt động; Thực hiện vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tăng cường hợp tác với các hội, các tổ chức phi chính phủ của các nước, tham gia các tổ chức khoa học và công nghệ của khu vực và quốc tế theo quy định của pháp luật. Từ khi thành lập đến nay, qua 7 kỳ đại hội, nhiệm vụ của Liên hiệp Hội Việt Nam được quy định trong Điều lệ, được điều chỉnh, bổ sung qua các nhiệm kỳ đại hội để đáp ứng yêu cầu phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam trong từng giai đoạn, phù hợp với quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, với bối cảnh và lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Quang cảnh hội thảo
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết về Liên hiệp Hội nhằm tạo điều kiện về tổ chức bộ máy và nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, hiện nay, Liên hiệp Hội Việt Nam và Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố còn gặp nhiều khó khăn về tổ chức, nguồn lực, kinh phí để duy trì hoạt động và thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước ở Trung ương và địa phương giao, phần nào làm hạn chế sự đóng góp của trí thức khoa học công nghệ đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận, phát biểu đóng góp các ý kiến để xây dựng và phát triển Liên hiệp Hội từ Trung ương đến địa phương, đó là: Cần có sự thống nhất của Đảng và Nhà nước về sự khẳng định tính chất chính trị - xã hội và tính hệ thống từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm kinh phí và các điều kiện để Liên hiệp Hội ở Trung ương và địa phương hoạt động có hiệu quả; Cần có cơ chế, chính sách của Trung ương về giao nhiệm vụ cho hệ thống của Liên hiệp Hội; Căn cứ 5 nhóm nhiệm vụ chính đã đề ra, cần xây dựng bộ khung để hoàn thiện bộ máy tổ chức của hệ thống Liên hiệp Hội… Trong đó, Đ/c Vy Văn Vũ - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai chỉ rõ, Liên hiệp Hội từ Trung ương đến địa phương cần khẳng định được vai trò, tầm quan trọng và năng lực của tổ chức bằng hiệu quả hoạt động trên các lĩnh vực theo Điều lệ thì mới tạo được sự tin tưởng và giao nhiệm vụ của Trung ương và các cấp ủy, chính quyền địa phương.
Đ/c Vy Văn Vũ - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai phát biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo
Hội thảo cũng đóng góp ý kiến về dự thảo báo cáo chính trị của Hội đồng Trung ương khóa VII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Đ/c Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam khẳng định, trong những năm qua, đội ngũ trí thức cả nước đã đóng góp vai trò rất quan trọng trong công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước. Tuy nhiên, sự nhìn nhận, đánh giá về Liên hiệp Hội của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành còn hạn chế, chưa thực sự đúng đắn, làm ảnh hưởng tới hoạt động, nhất là việc giao nhiệm vụ cho Liên hiệp Hội ở Trung ương và địa phương. Vì vậy cần xác định rõ cơ chế, chính sách giao nhiệm vụ của Nhà nước để Liên hiệp Hội Việt Nam và các tỉnh, thành phố thể hiện vai trò và vị trí, đội ngũ trí thức có điều kiện cống hiến năng lực, trí tuệ, tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ đất nước. Sau hội thảo, Liên hiệp Hội Việt Nam tiếp thu các ý kiến đóng góp của Liên hiệp Hội địa phương, xây dựng báo cáo và kế hoạch cụ thể để kiến nghị với Chính phủ có cơ chế, chính sách giao nhiệm vụ cho Liên hiệp Hội từ Trung ương đến địa phương.
Dương Phúc