Tìm kiếm
 

 Nội dung bản tin

 
Đồng Nai với nhiệm vụ bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái
Cập nhật: 01-07-2021 08:03
Nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai luôn phát động tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6) như “Tuần lễ Đồng Nai Xanh”, “Ngày hội tái chế chất thải”, “Trồng cây xanh”… Năm 2021, Liên hợp quốc (UNEP) đã lựa chọn chủ đề của Ngày Môi trường thế giới với chủ đề “Phục hồi hệ sinh thái” cho thấy sự cần thiết của bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Đồng Nai có hệ sinh thái đa dạng và phong phú, được chia làm 7 loại chính, bao gồm: rừng trồng trên đồi, rừng ngập mặn, trảng cỏ cây bụi, đất ngập nước, đầm nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, khu dân cư. Là một trong những địa phương sở hữu nhiều hệ sinh thái đặc thù, song tỉnh Đồng Nai cũng là nơi đang chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và việc khai thác tài nguyên thiên nhiên thiếu bền vững. Do đó, việc tăng cường bảo tồn, hạn chế sự suy thoái của các hệ sinh thái, góp phần cải thiện sinh kế của người dân và giảm rủi ro thiên tai đang được tỉnh, ngành và các địa phương quan tâm.
 

Trồng rừng ngập mặn tại huyện Nhơn Trạch

Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh trồng mới được 355ha rừng gồm 185ha rừng đặc dụng, 155ha rừng phòng hộ, 15ha rừng sản xuất, chủ yếu các loại cây phân tán như: sao, dầu, xà cừ, keo lai… Tỉnh cũng đang nghiên cứu, đề xuất xây dựng tiêu chí về diện tích cây xanh trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 với phong trào thi đua, vận động toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng tạo thảm xanh cho các vùng nông thôn. Trong những năm qua hệ sinh thái rừng đã từng bước phục hồi tương đối đa dạng, bền vững.

Phục hồi hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái đất, sông, hồ cũng được quan tâm. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giảm thiểu phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; tái tạo nguồn lợi thủy sản... được duy trì, mở rộng. Bên cạnh kết quả đạt được, một số hệ sinh thái, đặc biệt hệ sinh thái sông, hồ đang bị đứng trước nguy cơ nghèo kiệt. Tình trạng xâm lấn, xả thải rác vào hệ thống sông, hồ, sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản... vẫn tồn tại ở nhiều địa phương trong tỉnh.

 

Trường Đại học Lạc Hồng tham gia thả cá trên lòng hồ Trị An

Những nỗ lực bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái đã giúp hệ sinh thái Đồng Nai có tính đa dạng sinh học cao, nguồn lợi thuỷ sản đa dạng. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai nằm trên địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Lâm Ðồng, Bình Phước, Bình Dương và Đăk Nông, với tổng diện tích 966.563 ha, gồm ba vùng: vùng lõi có diện tích 169.072 ha; vùng đệm có diện tích 349.995 ha và vùng chuyển tiếp có diện tích 447.496 ha, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, với vùng sinh cảnh đa dạng, phong phú, từ kiểu rừng trên đất thấp ven sông đến rừng trên núi, cùng các hệ sinh thái đa dạng, phong phú với 1.401 loài thực vật, thuộc 623 chi, 156 họ, 92 bộ, 10 lớp, 6 ngành thực vật khác nhau; là môi trường sống lý tưởng cho các loài động vật, nhất là động vật có vú, chim, bò sát và cá,… với 1.781 loài thuộc 211 họ, 51 bộ. Đây là nơi quần tụ của nhiều loài chim nước quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học và đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen và phát triển du lịch sinh thái…Ngoài ra việc bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên các vùng đất ngập nước như hệ sinh thái hồ Trị An còn giúp khai thác, phát triển hiệu quả các lĩnh vực du lịch - nghiên cứu - giáo dục, bảo vệ môi trường sinh thái, điều hòa khí hậu, nâng cao chất lượng sống của dân cư.

Trong quá trình phát triển tỉnh Đồng Nai luôn chủ động hướng dẫn thực hiện đồng bộ các giải pháp hướng tới khai thác an toàn, hiệu quả, bền vững các hệ sinh thái, đa dạng sinh học; trong đó chú trọng bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái có vai trò trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hàng năm ngành Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố áp dụng giải pháp dựa vào thiên nhiên, thúc đẩy việc thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững; tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; bảo tồn hiệu quả các loài, nguồn gen; thực hiện các dự án trồng cây xanh; khai thác đúng mức, đúng cách các loài thủy sản; tổ chức thu gom rác trong môi trường, phục hồi thảm thực vật trên mặt nước và sống trong nước... để hệ sinh thái trong toàn tỉnh được bảo vệ và phục hồi một cách bền vững nhất.

Lê Nghĩa

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
 

 Liên Kết Website

 
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: TS. Vy Văn Vũ - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập