Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
Nhà khoa học của nhà nông
Cập nhật: 02-07-2021 03:08
Giải thưởng “Nhà khoa học của nhà nông” do Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hàng năm, là một hình thức thi đua yêu nước; thể hiện trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam và các cơ quan phối hợp trong việc thực hiện nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các nghị quyết khác của Đảng, các quyết định của Chính phủ về phát triển nông nghiệp xây dựng nông thôn mới.

​      Đối tượng được tuyển chọn là nhà nghiên cứu, hoặc người nông dân, có phát minh, sáng chế, sáng kiến, có sáng tạo hoặc cải tiến quy trình kỹ thuật, quy trình quản lý trong sản xuất nông nghiệp hoặc là người chuyển giao khoa học, kỹ thuật công nghệ, quy trình quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm đã và đang được nông dân áp dụng rộng rãi có hiệu quả trong sản xuất tiêu thụ hàng hóa và đạt giải trong các phong trào hội thi.

Tỉnh Đồng Nai tham gia giải thưởng Nhà khoa học của nhà nông ngay từ đầu (năm 2018). Hàng năm, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, trao đổi thống nhất đề cử các công trình một cách khách quan những giải pháp có giá trị để tham gia giải thưởng.

Qua 4 năm phối hợp giới thiệu đề cử xét chọn giải thưởng cho thấy, phong trào nông dân tiến quân vào khoa học công nghệ ngày càng khởi sắc, phần nào đã làm rõ hơn vai trò và mối quan hệ giữa nhà khoa học và nhà nông có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với tiến trình phát triển nông nghiệp xây dựng nông thôn mới trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Dưới đây là một số công trình tiêu biểu nhất tham gia giải thưởng Nhà khoa học của nhà nông:

Máy sạ hạt rau đa năng

Ở xã Phú Lâm, huyện Tân Phú là vùng chuyên canh trồng rau, nhưng không thể canh tác trên diện tích lớn bởi phải trãi qua rất nhiều công đoạn như: Làm đất, gieo rồi nhổ để cấy rất mất công. Đó là chưa kể rau nó còn bị chết phải cấy lại. Qua nghiên cứu chu kỳ của cây rau, với cách làm thủ công, người nông dân nhổ để cấy mất rất nhiều công đoạn, cây rau phải mất thời gian để hồi phục. Nên ông Lê Công Thành ở ấp Thanh Thọ, xã Phú Lâm huyện Tân Phú, đã sáng chế chiếc máy sạ hạt giống rau các loại, giúp cho người trồng rau tiết kiệm được chi phí gieo sạ và tăng năng suất cây trồng.

Phiên bản đầu tiên, chiếc máy được làm bằng gỗ nhưng qua quá trình sử dụng ông đã từ từ nâng cấp lên với nhiều cải tiến hiện đại, phù hợp, đến nay chiếc máy đã được thiết kế bằng khung sắt chạy bằng xăng. Với kết cấu hoàn chỉnh từ cần lái, bộ phận chứa hạt, bánh đánh rảnh, cần lấp đất, chiếc máy có thể gieo bất cứ hạt rau nào từ những loại hạt lớn như rau muống, mồng tơi đến những hạt nhỏ nhất như rau cải, rau dền. Người sử dụng chỉ cần bỏ hạt vào khoang chứa và đẩy dọc theo các luống. Với chiếc máy sạ hạt đa năng, người trồng rau giảm được công gieo sạ. Theo tính toán, nếu sử dụng cách gieo hạt truyền thống bằng tay, gieo một sào rau cải ngọt 18 luống mất khoảng 23 công, năng suất khoảng 2,5 tấn. Còn nếu sử dụng máy sạ thì chỉ mất 10 phút một luống, năng suất rau đạt tới 3,2 tấn một héc ta. Không những vậy, chiếc máy còn giúp người nông dân đỡ tiếp xúc với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đồng thời cho năng suất cao hơn nhiều so với cách làm trước đây.

 

Máy sạ hạt rau

Từ khi máy gieo hạt rau của anh Thành ra đời đã giúp cho nông dân trong xã nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời còn động viên khuyến khích các hộ dân thi đua áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. 

Bộ điều khiển bơm nước không dây

Đến mùa khô nhu cầu bơm nước để tưới cho cây trồng ở nông thôn rất lớn, qua quá trình chăm tưới vườn cây ăn trái anh Lại Văn Linh ngụ tại ấp 4, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú đã cải tiến hệ thống bơm nước của nhà bằng cách thiết kế bộ điều khiển bơm nước không dây sử dụng pin năng lượng mặt trời cấp nguồn cho bộ phát sóng, nguồn điện cung cấp là 12V DC. Công nghệ không dây tự động hoàn toàn, sử dụng 12V an toàn cho người sử dụng không xảy ra tình trạng rò điện, điện giật.

Dựa trên công nghệ thu phát sóng không dây RF315 MHz, khoảng cách thu phát sóng lên đến 1.000m (1km), sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời cấp nguồn cho bộ phát sóng. Khi mực nước trên bể tụt xuống mức cạn thì rơle tác động cho bộ phát sóng RF315 MHz phát tín hiệu cho bộ thu sóng RF315 MHz cấp nguồn cho bơm nước làm việc. Khi mực nước trên bể đã đầy thì rơle ngắt tín hiệu cho bộ phát sóng RF315 MHz ngừng làm việc, và báo về cho bộ thu sóng sẽ ngắt máy bơm ngừng hoạt động, để nước khỏi tràn bể. Sản phẩm an toàn tiện ích, hiệu quả, dễ sử dụng, trong trong sản xuất nông nghiệp, an toàn và hiệu quả.

Thiết bị hỗ trợ leo dừa

Theo thống kê năm 2016, cả nước có khoảng 200.000 ha dừa. Dừa có mặt từ Bắc chí Nam, nhiều nhất là đồng bằng sông Cửu Long với trên 70% diện tích, kế đến là các tỉnh Nam Trung bộ từ Đà Nẵng trở vào. Hiện nay để thực hiện thu hoạch trái và lá, hầu hết người nông dân đều dùng sức rướn của con người, đu mình trèo từng nấc lên thân cây dừa, việc thu hoạch trái và lá đều phải dùng toàn bộ sức người để trèo lên ngọn cây. Như vậy vừa tiêu tốn sức khỏe, vừa gây nguy hiểm cho người hái dừa. Việc trèo dừa là công việc nặng nhọc và cực kỳ nguy hiểm mà không phải ai cũng có thể thực hiện được, chính vì vậy người nông dân phải phụ thuộc một phần vào thương lái (vì thương lái có thợ chuyên trèo) cho nên nông dân hay bị ép giá, vừa khó khăn cho việc thu hoạch, và chăm sóc sự phát triển của cây.

 

Thiết bị hỗ trợ leo dừa

Giải pháp bộ dụng cụ hỗ trợ leo cây không nhánh giúp nhà nông dễ dàng leo trèo các loại cây như dừa, cau, cao su, gió bầu, cột điện…của anh Nguyễn Văn Hưng ngụ tại Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu đã tạo thiết bị an toàn, dễ sử dụng, giá phải chăng, hiệu quả, ít tốn sức khỏe và an toàn. Thiết bị bao gồm 2 khung đỡ, khung đỡ chân bên trái và khung đỡ chân bên phải, Thiết bị này hoạt động giống như người đi bộ lên cầu thang. Khi sử dụng, bước một chân lên trước làm trụ, chân còn lại bước theo. Sức nặng của cơ thể tì và đè lên bàn đạp, làm bàn đạp di trượt theo khung đỡ, đồng thời kéo sợi cáp siết chặt vào thân cây; khi nhấc chân lên di chuyển, cáp sẽ buông lỏng thân cây, và cứ thế, 1 chân trụ, 1 chân nhấc lên, hoán đổi liên tục giống động tác đi bộ lên cầu thang, người leo sẽ từ từ lên tới ngọn cây. Thiết bị hoạt động kèm theo sợi dây bảo hiểm mắc ngang bụng, khi lên ngọn, sợi dây bảo hiểm giữ ngang eo, người sử dụng thả lỏng 2 tay ra thao tác thoải mái, thiết bị có thể quay 3600 xung quay thân cây. Với dụng cụ này, việc trèo lên cây dừa dễ dàng hơn đối với tất cả mọi người, đồng thời tốn ít sức lực hơn, nhanh và an toàn hơn, giúp người dân chủ động thu hoạch và chăm sóc cây, giúp cây phát triển tốt, nâng cao chất lượng củng như là thu nhập cho người trồng dừa. Ngoài việc thu hoạch dừa, thiết bị có thể linh hoạt thay cáp sử dụng cho việc leo cau ăn trầu, leo cau vua, bạch đàn, cao su, xà cừ, cây ươi, cây bàng vuông và những loại cây không nhánh khác. Thiết bị đã được sản xuất và bán ra thị trường trong nước và được người dân trồng dừa sử dụng, đồng thời đã sản xuất và cung cấp cho các khách hàng ở Canada, Mỹ, Úc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma…

Việc tôn vinh các nhà khoa học của nhà nông hàng năm là hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh phong trào nông dân hăng hái tiến quân vào khoa học, ứng dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ của các nhà nghiên cứu, người nông dân tại địa phương. Đồng thời, cổ vũ khuyến khích nông dân thay đổi tư duy cách thức sản xuất nông nghiệp trên cơ sở áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình mới theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống các vùng miền, góp tích cực vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của đất nước.

Lê Nghĩa

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
 

Liên Kết Website

 
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: TS. Vy Văn Vũ - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập