Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
Kinh tế số: Những cơ hội và thách thức
Cập nhật: 05-10-2021 02:12
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026; định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII. Nghị quyết nêu 3 đột phá chiến lược được xác định là: - Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. - Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Trong đó có xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội. - Ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.


Vậy kinh tế số là gì?

Thuật ngữ “kinh tế số” (digital economy) được dùng khá lâu trước khái niệm Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Tuy nhiên, cùng với sự xuất hiện của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 xu hướng số hóa hay công cuộc chuyển đổi số thực sự xuất hiện mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, bởi “cốt lõi” của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là chuyển đổi số, với sự tích hợp của số hóa, kết nối/siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Kinh tế số đôi khi cũng được gọi là kinh tế internet (Internet Economy), kinh tế mới (New Economy) hoặc kinh tế mạng (Web Economy). Ngoài ra còn có nhiều định nghĩa khác nhau. Với sự lan tỏa của “số hóa” vào nền kinh tế thực thì việc phân định rạch ròi kinh tế số không đơn giản. Tuy nhiên, có thể khái quát, kinh tế số bao gồm các hiện tượng mới nổi như công nghệ blockchain, nền tảng số, phương tiện truyền thông xã hội, doanh nghiệp điện tử (ví dụ như thương mại điện tử, các ngành truyền thống như sản xuất hoặc nông nghiệp có sử dụng công nghệ số hỗ trợ); các doanh nghiệp liên quan đến phát triển phần mềm, ứng dụng, phát triển nội dung số và truyền thông, các dịch vụ và đào tạo liên quan, cùng với các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất và phát triển thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông.

Kinh tế số không chỉ tạo ra quy mô và tốc độ tăng trưởng cho các nền kinh tế, mà còn làm các nền kinh tế thay đổi trên 2 bình diện đó là:  

-   Phương thức sản xuất (nguồn lực, hạ tầng, cách thức vận hành sản xuất kinh doanh).

-   Cấu trúc kinh tế. Trong đó, đáng chú ý là bên cạnh các nguồn lực truyền thống xuất hiện nguồn lực phát triển mới là tài nguyên số, của cải số.

Ngày 3/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với những nội dung chủ yếu sau:

- Đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

- Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

- Chuyển đổi nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong xã hội, lan truyền từ điểm tới diện, từ một nhóm tổ chức, cá nhân tiên phong tới cộng đồng, bằng những câu chuyện thành công điển hình, có tính thuyết phục cao.

- Phát huy vai trò liên kết chuyển đổi số giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp; giữa hội, hiệp hội ngành nghề công nghệ thông tin với hội, hiệp hội chuyên ngành trong các lĩnh vực khác để tạo hiệu ứng lan tỏa ra xã hội.


Lễ trao giải chuyển đổi số Việt Nam 


- Phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, các chức năng về giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng.

- Phát triển nền tảng số mang tính thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số diễn ra một cách tự nhiên, khai mở giá trị mới, mang lại lợi ích rõ ràng cho xã hội. Nền tảng số được tích hợp sẵn các chức năng về bảo đảm an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế, xây dựng.

- Tạo lập niềm tin vào tiến trình chuyển đổi số, hoạt động trên môi trường số thông qua việc hình thành văn hóa số, bảo vệ các giá trị đạo đức căn bản và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

- Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số, thu hút nhân tài, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp lớn trên thế giới để nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo.

Quyết định số 749/QĐ-TTg xác định một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển xã hội số như sau:

- Thúc đẩy chuyển đổi số xã hội, tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp lớn trên thế giới để đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số, hình thành văn hóa số. Chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số để phát triển xã hội số, không ai bị bỏ lại phía sau.

- Lựa chọn, đào tạo, tập huấn đội ngũ tối thiểu 1.000 chuyên gia về chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực, địa phương. Các chuyên gia này tiếp tục đào tạo lại cho cán bộ liên quan ở cơ quan, tổ chức mình và trở thành lực lượng nòng cốt để dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

- Triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, giám đốc điều hành các doanh nghiệp.

- Hàng năm tuyển sinh đào tạo, bổ sung cử nhân, kỹ sư chuyên ngành công nghệ thông tin. Điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo ở bậc sau đại học, đại học và dạy nghề gắn với công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), chuỗi khối (Blockchain), in ba chiều (3D Printing).


Lễ ký kết hợp đồng tư vấn chiến lược chuyển đổi số của Petrovietnam


- Triển khai áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật, kinh doanh, doanh nghiệp (giáo dục STEAM/STEAM/STEAME), đào tạo tiếng Anh và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin tại các cấp học. Thực hiện đào tạo, tập huấn hướng nghiệp để học sinh có các kỹ năng sẵn sàng cho môi trường số.

- Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số cho người lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Thực hiện triển khai thử nghiệm đào tạo, đào tạo lại về công nghệ số cho người lao động ít nhất 1 giờ/ tuần tại 3 tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Nam và Bình Dương trước, sau đó triển khai đồng bộ tại các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước.

- Cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở (MOOCS) cho tất cả người dân nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục nhờ công nghệ số, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số. Phổ cập việc thi trực tuyến; công nhận giá trị của các chứng chỉ học trực tuyến; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập; phát triển các doanh nghiệp công nghệ phục vụ giáo dục hướng tới đào tạo cá thể hóa.

- Đánh giá các tác động của công nghệ số đến xã hội để có các giải pháp chủ động giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ số; ban hành các quy tắc ứng xử trên môi trường số cho doanh nghiệp và người dân; phát triển các trung tâm giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực bởi công nghệ số.

Quyết định số 749/QĐ-TTg xác định  một số lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số, bao gồm:

Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Chúng ta thấy rằng với quyết tâm của Đảng và Chính phủ, việc triển khai thực hiện phát triển kinh tế số sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững hơn; bởi công nghệ hiện đại sẽ cho chúng ta những giải pháp tốt, hiệu quả hơn đối với việc quản lý đất nước, sử dụng nguồn nhân lực, sử dụng tài nguyên, xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường… Đồng thời, với chi phí tham gia thấp và dễ tiếp cận, kinh tế số cũng tạo ra cơ hội cho nhiều người hơn, mọi thành phần, khu vực… qua đó góp phần làm giảm khoảng cách giàu nghèo, giải quyết nhiều vấn đề xã hội thông qua đo lường tâm trạng xã hội, sự tham gia của người dân vào việc lãnh đạo và xây dựng tổ quốc.

Nguyễn Văn Liệt

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Đồng Nai​

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
 

Liên Kết Website

 
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: TS. Vy Văn Vũ - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập