Nhà bác học Lê Quý Đôn
đã luận về các nguyên tắc “Tứ tôn” và Ngũ quy”, trong đó nhấn mạnh đến việc tôn
trọng và sử dụng người tài; những hệ lụy của nó. Tứ tôn gồm: “Tôn tộc đại quý,
tôn lộc đại suy, tôn tài đại thịnh, tôn nịnh đại nguy”. Ngũ quy gồm: “Quy
nông tất ổn, quy công tất phú, quy thương tất hoạt, quy trí tất hưng, quy
pháp tất bình”. Trong tứ tôn thì “tôn tài đại thịnh”. Trong ngũ quy thì “quy
trí tất hưng”.
Xuất thân từ trí thức Nho học, văn hóa truyền
thống Việt, tự bổ sung bằng tri thức khoa học, xã hội, văn hóa, chính trị
phương Tây không chỉ qua lý luận, mà cả bằng thực tiễn hoạt động cách mạng, Chủ
tịch Hồ Chí Minh hơn ai hết hiểu rõ giá trị của tri thức khoa học và lực lượng
trí thức.
Trí thức theo Hồ Chủ tịch là những người lao động trí óc,
có cống hiến cho xã hội, đất nước, là “thầy giáo, thầy thuốc, kỹ sư, những nhà
khoa học, văn nghệ, những người làm bàn giấy…”.
Người cho rằng trí thức và thành quả của tri thức, trí tuệ là cái giúp cho xã hội
phát triển, “cách mạng rất cần trí thức và chính ra chỉ có cách mạng mới biết
trọng trí thức” . Người lại nói: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc, ở nước
khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”.
Để Đảng xứng đáng là đại biểu cho lương tri và
trí tuệ của dân tộc và thời đại, thì việc coi trọng địa vị của người trí thức
trong sự nghiệp cách mạng là một tất yếu. Việc vận động và sử dụng có hiệu quả
đội ngũ trí thức là vấn đề có tính chiến lược của cách mạng và đất nước. Hồ Chí
Minh khẳng định: “Trí thức công nông hóa, trí thức phục vụ nhân dân bây giờ
cũng cần, kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên chủ nghĩa xã hội càng cần,
tiến lên chủ nghĩa cộng sản lại càng cần. Bởi vì xã hội tương lai là một xã hội
không có phân biệt giữa trí óc và chân tay. Vì văn hóa ngày càng cao lên thì
thói quen của trí thức ngày càng hợp với lao động”.
Ý của Người nói thói quen trí thức tức nói đến phong cách khoa học, phương pháp
khoa học khi làm việc, lao động.
Chủ tịch hồ Chí Minh với đội ngũ trí thức (ảnh tư liệu)
Trong thời kỳ thành lập Đảng, lớp
đảng viên đầu tiên không ít những trí thức tiêu biểu như Trần Phú, Lê Hồng
Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trần Văn Giàu... Thời kỳ Mặt trận Dân chủ
Ðông Dương những trí thức cách mạng như Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn
Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai... là những chiến sĩ đi đầu trên mặt trận văn hóa,
truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, giải thích đường lối chính sách của Ðảng. Những
tên tuổi Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Ðồng, Ðặng Thai Mai, Hải Triều, Trần Văn
Giàu... đều là những trí thức cách mạng gắn liền với công việc đào tạo của Chủ
tịch Hồ Chí Minh.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để sử dụng nhân tài,
trí thức có hiệu quả cao nhất cần phải biết phát hiện, đào tạo và tập hợp trí
thức. Tháng 10/1945, trong điều kiện cách mạng mới thành công nhưng đứng trước
muôn vàn khó khăn, “thù trong giặc ngoài”, Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị tìm người
tài đức và trọng dụng kẻ hiền năng. Trong bài “Nhân tài và kiến quốc”, đăng
trên báo Cứu quốc, ngày 14/11/1945, Người viết: “Vậy chúng tôi mong rằng đồng
bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó (tức là kiến quốc), lại
sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ.
Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì
sẽ thực hành ngay”.
Và “Kiến thiết cần phải có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều
lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài
càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”.
Đối với việc sử dụng trí thức, Hồ Chí Minh
không phân biệt trong hay ngoài Đảng. Người nói: “Ta cần phải hợp tác
với những người ngoài Đảng. Ta không được khinh rẻ họ”. Bởi lẽ: “Bất kỳ ai...
chịu học, chịu khó nghĩ... thì nhất định có sáng kiến”.
Trong thành phần Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không ít những
nhân sĩ, trí thức, kể cả trí thức từng tham gia bộ máy quản lý của Pháp như
Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Phan Anh... được Người tin tưởng,
giao việc. Và khi cuộc kháng chiến chống
Pháp nổ ra, nhiều trí thức khoa học từ nước ngoài đã trở về tham gia kháng chiến
như Trần Ðại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Phạm Huy Thông...
Chủ tịch Hồ
Chí Minh và Giáo sư Nguyễn Văn Huyên (giữa) m tại Trường Đại học Quốc gia Việt Nam (ảnh tư
liệu)
Đảng phải có kế hoạch đào tạo trí thức, bồi dưỡng
tri thức khoa học cho đội ngũ lao động để có trình độ trong lao động sản xuất;
đồng thời có chính sách đúng đắn để sử dụng trí thức. Người viết: “... cần phải
có kế hoạch bồi dưỡng cho cán bộ và công nhân có trình độ văn hóa và kỹ thuật
khá”, thậm chí “phải có trình độ không kém gì kỹ sư”. Người viết: “Chính sách
đúng là nguồn gốc của thắng lợi... sự thành công hay thất bại của chính sách đó
là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra”.
Đồng thời Người cũng rất trân trọng những góp ý, phản biện của trí thức: “Ðối với
mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Ðó
là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người”.
Ngày 23/9/1951, tại Trường Công an (tại
An toàn khu), Người nói trí thức cũng cần cải tạo tư tưởng và “Trí thức đáng trọng
là trí thức hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.
Người kêu gọi trọng dụng nhân tài, đồng thời yêu cầu người trí thức không chỉ
có khoa học mà còn phải có tâm, tức đạo đức. Người luôn cho rằng “Đức” là gốc,
còn “Tài” là cái quan trọng và giải thích về đạo đức cách mạng: “Nhận rõ phải, trái. Giữ
vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”.
Ngày nay, khi đất nước đang
trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước tiếp cận với
kinh tế tri thức trong thời đại công nghiệp 4.0, đội ngũ trí thức khoa học công
nghệ cần lấy bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính là tiêu chí để soi rọi mình, nhất
là những người được Ðảng và Nhà nước cho học nhiều, đạt tới học vị và chức danh
khoa học cao.
ThS.
Trần Quang Toại
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp
các Hội KH&KT Đồng Nai