Sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng khẳng định vai trò là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị của doanh nghiệp, tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Ngày nay, tài sản vô hình này chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Đây cũng là một động lực quan trọng cho đổi mới và tiến bộ công nghệ, bảo vệ quyền SHTT chính là bảo vệ các thành quả chúng ta đang có, chống lại mọi hành vi lợi dụng của người khác và những hoạt động cạnh tranh không lành mạnh. Việc bảo hộ quyền SHTT sẽ giúp loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả ra khỏi thị trường đảm bảo quyền lợi của nhà sản xuất chân chính và người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Giám đốc Sở KH-CN Đồng Nai cho biết: “trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng còn một số doanh nghiệp chưa chú trọng tìm hiểu rõ về Luật SHTT, nên dẫn đến việc vô tình xâm phạm việc SHTT của người khác, hoặc họ đã tự xóa bỏ tài sản SHTT mà mình đã dày công gây dựng trong nhiều năm, do đã sử dụng nhưng không tiến hành đăng ký. Do đó, đến khi đăng ký thì bị người khác đăng ký mất, một số ít doanh nghiệp do không tìm hiểu kĩ quy định nên bị các cơ quan chức năng từ chối bảo hộ - vì không đúng luật SHTT” .

ảnh 1. Ths. Phạm Gia Hải – Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đồng Nai phát biểu tại Hội thảo
Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra xử lý vi phạm về SHTT đã góp phần tích cực trong việc giáo dục, răn đe và ngăn chặn các hành vi vi phạm trên địa bàn tỉnh, từng cơ quan theo chức năng cũng đã kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm thuộc về mình quản lý. Tuy nhiên, kiểm tra chất lượng hàng nhập trên thị trường vẫn chưa được chú trọng một cách sâu sát, chỉ sau khi có thông tin liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT thì mới tiến hành kiểm tra, kiểm soát. Chính vì vậy mà hiệu quả không cao và hàng giả hàng xâm phạm quyền SHTT vẫn có cơ hội đến tay người tiêu dùng.
Tác hại của hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT gây thiệt hại trực tiếp đến người tiêu dùng. Trước hết thiệt hại về kinh tế, nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người sử dụng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp là đối tượng chịu thiệt hại chính về kinh tế do tệ nạn hàng giả, ngoài ra còn làm giảm đi uy tín thương hiệu của doanh nghiệp. Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT còn gây phá sản, triệt tiêu động lực sáng tạo về trí tuệ của các doanh nghiệp nói riêng và của xã hội nói chung.
Cũng tại Hội thảo, các đơn vị chức năng bảo hộ SHTT đã chỉ ra hiện nay việc xâm phạm quyền SHTT rất đa dạng liên quan đến các lĩnh vực như: Quyền tác giả (tác phẩm văn học, khoa học, bản ghi âm, chương trình phát sóng…); Quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý…) và Quyền đối với giống cây trồng…
Đối với các nền kinh tế phát triển và hội nhập sẽ tạo ra những mối quan hệ đa phương, thì hợp tác và cạnh tranh luôn tồn tại song song. Để tạo động lực và bình đẳng chung cho sự phát triển của mỗi nền kinh tế cũng như hệ thống kinh tế thế giới, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ SHTT cho bất kỳ một cá nhân hay một tổ chức nào ở các nền kinh tế là một trong những điều cơ bản nhất cần được xem trọng. Quyền SHTT là quyền sở hữu những tài sản trí tuệ do con người phát minh, sáng chế ra và đã được công nhận. Quyền SHHT cho phép tác giả được độc quyền sử dụng những tài sản trí tuệ của mình trong một khoảng thời gian nhất định.

Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Theo ThS. Phạm Gia Hải – Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đồng Nai, Hội thảo lần này nhằm chuyển tải thông tin đến các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong tỉnh, tiếp cận một số quy định pháp lý về quyền SHTT và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển tài năng trí tuệ, cũng như việc bảo hộ SHTT cho sản phẩm của các đơn vị góp phần vào công tác chống hàng gian, hàng giả, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Xuân Tuyến