Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
Vì một cộng đồng thân thiện với trẻ tự kỷ
Cập nhật: 26-04-2017 02:39
Ngày 2/4/2017, tại Nhà thiếu nhi tỉnh Đồng Nai, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức – Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Hoàng Đức đã tổ chức Chương trình “Ngày thế giới nhận biết chứng tự kỷ” 2/4 hàng năm. Đây là dịp để phụ huynh có con bị tự kỷ có dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc nuôi dạy, giúp đỡ con hòa nhập với cộng đồng.
 
DSC_0064 (Copy).JPG
TS. Lê Minh Công – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức
chia sẻ với phụ huynh kiến thức nuôi dạy trẻ tự kỷ.
Rối loạn phổ tự kỷ là một trong những rối loạn tâm thần hay gặp ở trẻ em với tỷ lệ gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Trẻ tự kỷ không những phát triển chậm về quan hệ xã hội, ngôn ngữ, cảm xúc, nhận thức, giao tiếp mà còn có những rối loạn hành vi ảnh hưởng lớn đến gia đình và xã hội.
Nhân Ngày thế giới nhận biết chứng tự kỷ (2-4), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Tâm lý học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh về thực trạng rối loạn tự kỷ hiện nay cũng như những giải pháp hỗ trợ cho cộng đồng trẻ tự kỷ.
* P.V: Ông có thể cho biết về chứng tự kỷ và những khó khăn mà người tự kỷ có thể gặp phải trong cuộc sống?
- TS. Lê Minh Công: Tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển tồn tại suốt cuộc đời, thường xuất hiện trong ba năm đầu đời. Tự kỷ là do rối loạn thần kinh gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của não bộ. Những khó khăn mà trẻ tự kỷ có thể gặp phải bao gồm suy giảm chức năng giao tiếp và tương tác xã hội, khó khăn trong việc kiểm soát phản ứng tâm lý lẫn điều khiển cơ thể, và khó khăn trong việc bộc lộ suy nghĩ cảm xúc bản thân. Điều đó làm cho trẻ khó thích ứng với cuộc sống hằng ngày.
* P.V: Tự kỷ có thể xem như một dạng khuyết tật về tâm thần, vậy nguyên nhân nào khiến trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ?
- TS. Lê Minh Công: Tự kỷ là một rối loạn (disorder) chứ không phải là một bệnh (disease), mà rối loạn thì thường không có rõ ràng về tiến trình nguyên nhân như bệnh có bệnh chứng. Đa số các nhà nghiên cứu và thực hành đều đồng ý với nhau về các yếu tố ảnh hưởng dựa trên các nghiên cứu dịch tễ, và các giả thuyết về rối loạn phổ tự kỷ chứ không tìm kiếm nguyên nhân. Các yếu tố ảnh hưởng và giả thuyết có thể bao gồm: yếu tố di truyền và môi trường sống (như ô nhiễm môi trường, thiếu không gian phát triển), biến chứng trong chu sinh, tiền sử bệnh lý của cha mẹ, tổn thương hoặc rối loạn dẫn truyền thần kinh,…
* P.V: Vậy dấu hiệu nào giúp các bậc cha mẹ nhận biết con mình có rối loạn phổ tự kỷ, thưa ông?
- TS. Lê Minh Công: Khiếm khuyết về giao tiếp xã hội, như: Trẻ biểu hiện sự vô cảm, không biết rung động, chia sẻ tình cảm, sở thích của mình với người khác, không thể bắt chuyện, nhập chuyện, và cách đối đáp trong giao tiếp xã hội rất khác thường. Trẻ có những khiếm khuyết về sự bày tỏ cử chỉ, hành vi, dùng lời và không dùng lời, qua sự giao tiếp bằng mắt, không thể hiểu và diễn đạt bằng điệu bộ, hoặc bày tỏ cảm xúc trên nét mặt. Trẻ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề kết bạn và duy trì tình bạn; thiếu khả năng chơi giả vờ, và không có hứng thú sinh hoạt chung theo nhóm. Trẻ gặp những giới hạn, lặp lại, rập khuôn về hành vi, sở thích, và hoạt động như: nói lặp lại; hoạt động tay chân hay sử dụng đồ vật theo lối rập khuôn,… Trẻ có những phản ứng mạnh hay thiếu phản ứng đối với những tác động thuộc về giác quan. Ví dụ, trẻ không cảm nhận được nhiệt độ lạnh hay nóng, không có cảm giác đau đớn khi ngã té, trầy trụa đến chảy máu, nhạy cảm đối với âm thanh, vải sợi, ngửi và sờ chạm vật thể nào đó quá mức bình thường, hoặc có những hành vi tự kích như quay vòng đồ chơi, mê mẫn nhìn đèn điện, quạt xoay trên trần nhà…
Phụ huynh khi thấy trẻ sau 12 tháng tuổi trở đi có những dấu hiệu nghi ngờ trên nên gặp ngay chuyên gia để được tư vấn và hỗ trợ.
* P.V: Theo ông, tỷ lệ thành công trong việc điều trị chứng tự kỷ là bao nhiêu phần trăm và giải pháp nào để giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với cộng đồng?
- TS. Lê Minh Công: Hiện nay, vẫn chưa có một con số thống kê cụ thể về việc hòa nhập vào cộng đồng của những trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, nếu các trẻ này được can thiệp trong khoảng “thời gian vàng” (dưới 3 tuổi), có sự giúp đỡ từ chuyên gia và chính gia đình bé thì khả năng hòa nhập vào cộng đồng là cực kỳ lớn.
Ở đây, khi được biết con có rối loạn phổ tự kỷ, nhiều cha mẹ rất lo lắng, bối rối không biết phải bắt đầu từ đâu. Vì vậy, có những việc cha mẹ phải làm và hãy khởi động bằng việc lên danh sách chúng, điều này sẽ giúp cha mẹ khá hơn và lại giúp được con.
Đầu tiên, cha mẹ cần phải khẳng định lại kết quả chẩn đoán để có thể có một chiến lược hỗ trợ và can thiệp trẻ cụ thể, phù hợp. Bởi vì, rối loạn phổ tự kỷ có thể nhầm lẫn với các rối loạn khác như rối loạn ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ. Do đó, việc chẩn đoán cần phải xem xét trên triệu chứng thật sâu và rộng, cần phải có thời gian theo dõi và trao đổi kỹ với chuyên gia về tiền sử phát triển của trẻ.
Thứ hai, loại bỏ cảm giác dằn vặt, tội lỗi, và đặc biệt phải vượt qua cảm giác chán chường, bi quan và mất phương hướng khi con tự kỷ. Cần phải vượt qua ngay cảm giác tiêu cực này, đừng đổ lỗi cho nhau, đừng dằn vặt mình, và chỉ khi chúng ta loại bỏ được những điều tiêu cực đó, chúng ta mới đủ năng lượng để thực hiện cuộc đua đường trường này.
Thứ ba, cần tự trau dồi kiến thức và kỹ năng. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của cha mẹ trong can thiệp chiếm đến 60% của sự thành công và phát triển của trẻ. Vì thế, việc phối hợp trong việc xây dựng mục tiêu, bàn bạc chương trình can thiệp và kể cả tâm sự cùng nhau giữa các chuyên viên và phụ huynh là việc làm rất cần thiết và cực kỳ cần thiết. Chỉ khi nào, nhà chuyên môn và phụ huynh có cơ hội trao đổi với nhau, phối hợp với nhau thì cơ hội dành cho trẻ sẽ cao hơn rất nhiều lần.
Thứ tư, cha mẹ cần tạo nên một mạng lưới hỗ trợ và chia sẻ của tất cả mọi người, vì vậy, đừng giấu kín việc con bạn bị tự kỷ. Hãy chia sẻ với gia đình, người thân và nhờ họ hỗ trợ. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần phải tham gia các nhóm câu lạc bộ, những người có con cùng cảnh ngộ để được hỗ trợ nhau về chuyên môn, được hỗ trợ nhau về cảm xúc, kinh nghiệm và ít nhất được đồng cảm.
Thứ năm, hãy làm cho mình khỏe mạnh trước khi làm cho con khỏe mạnh. Một báo cáo nghiên cứu tôi đã đọc và qua thực tế làm việc, đa số phụ huynh và người nhà trẻ tự kỷ thường rơi vào trạng thái stress trường diễn và bệnh lý, thậm chí nhiều phụ huynh rơi vào trường hợp rối loạn tâm thần vì cú sốc con/ cháu họ tự kỷ và khiến cho nhiều thành viên trong gia đình cảm thấy cực kỳ mệt mỏi. Vì vậy, hãy chia sẻ tình trạng này với nhà tâm lý, chuyên gia tư vấn và gia đình để họ có thể giúp đỡ. Ngoài ra, cha mẹ cũng đừng chỉ quá chú tâm vào vấn đề của con, mà cũng cần phải lo cho sức khỏe và sự nghiệp của bản thân.
Thứ sáu, hãy cảnh giác với lời quảng cáo “chữa kiểu lang băm”. Hiện nay, có hàng trăm phương pháp khác nhau để can thiệp dành cho trẻ tự kỷ, như ABA, PECs, TEACCH, hay các phương pháp  tiếp cận theo tâm lý - giáo dục. Bên cạnh đó, cũng có nhiều phương pháp khác đã được nêu như châm cứu, bấm huyệt, oxy cao áp, ăn kiêng, sử dụng vitamin,… nhưng đều là các phương pháp không có bằng chứng và chỉ là thử nghiệm của một số nhà thực hành. Cha mẹ cần thận trọng trước khi đầu tư bất cứ khoản tiền nào vào một phương pháp can thiệp chưa được chứng minh tính hiệu quả.
Cuối cùng, cha mẹ nên lựa chọn một trung tâm uy tín và một chương trình phù hợp với con. Việc đánh giá và can thiệp cho trẻ là một cuộc chiến dài và đòi hỏi sự kiên trì, đúng phương pháp, vì thế, hãy kiên trì và tập trung với chương trình mình đã thống nhất và thảo luận. Không nên cứ chạy đi chạy lại nhiều chỗ kiểu “có bệnh thì vái tứ phương” và chính điều này là yếu tố làm mất đi thời gian can thiệp của con. Bạn nên trao đổi kỹ với nhà chuyên môn về chương trình can thiệp sớm như: sẽ có những dịch vụ và dạng trị liệu nào? Tỷ lệ chuyên viên/trẻ là bao nhiêu? Hãy cho con tham gia can thiệp càng sớm càng tốt. Các chương trình cơ bản sẽ bao gồm: trị liệu ngôn ngữ, trị liệu hoạt động…
* P.V: Xin cảm ơn ông.
DSC_0147 (Copy).JPG
Ban Tổ chức công bố giải Vẽ tranh nhân Ngày thế giới nhận biết chứng tự kỷ 2/4 cho
các bé đang được can thiệp tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức.
                                                                                                                       Huy Tùng (thực hiện)
 
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
 

Thăm dò ý kiến

 
Ý kiến của bạn về giao diện của website ?
 

Liên Kết Website

 
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: TS. Vy Văn Vũ - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập