Quang cảnh buổi tọa đàm.
Cù lao phố có diện tích gần 700 héc ta, nơi đây lưu giữ các giá trị lịch sử văn hóa với bề dày hơn 300 năm như: các công trình kiến trúc cổ, các di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo (Chùa Ông, Chùa Đại Giác, đình Bình Quan, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, mộ cổ hợp chất…).
Tại buổi Tọa đàm, các nội dung được Hội Kiến trúc sư đưa ra như: Cần nhìn nhận thêm các ý nghĩa giá trị văn hóa lịch sử của Cù lao phố; Phát huy các giá trị văn hóa lịch sử trong quy hoạch xây dựng đô thị Cù lao phố theo hướng hiện đại…
PGS.TS Huỳnh Văn Tới phát biểu tại buổi Tọa đàm.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Tới, Việt Nam ta có nhiều Cù lao, nhưng chỉ một Cù lao được gọi là Cù lao phố, hẳn không phải chuyện vô tình. Trong định hướng quy hoạch phát triển, Cù lao phố cần được nhìn nhận như thế nào, bảo tồn và xây dựng những gì?
Như đánh giá của ông Huỳnh Ngọc Trảng – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam bộ thì Cù lao phố thực tế khá lộn xộn, chỉ ở mức “bán đô thị” – nghĩa là nửa đô thị, nửa thôn quê. Theo ông, cần phát triển Cù lao phố nhưng vẫn giữ lại các giá trị văn hóa – lịch sử và quan trọng là chú ý đến đời sống người dân Cù lao phố.
Các nhà nghiên cứu ngành văn hóa cho thấy sự bất cập rằng, phải chăng xã Hiệp Hòa lại lên đô thị trong khi vừa được công nhận là xã nông thôn mới, thành phố Biên Hòa mới được công nhận đô thị loại 1?
Theo Liên hiệp Hội, quy hoạch Cù lao phố cần lưu ý sự hài hòa giữa không gian kiến trúc với không gian cảnh quan sông nước, môi trường sinh thái; hài hòa giữa phát triển đô thị với bảo tồn và phát huy giá trị di sản; hài hòa quyền lợi cư dân tại chỗ với quyền lợi xã hội…
Theo ông Lý Thành Phương – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai, tất cả những ý kiến đóng góp trong buổi Tọa đàm sẽ được Hội báo cáo Liên hiệp Hội Đồng Nai, cung cấp thông tin cho đơn vị tư vấn quy hoạch và sắp tới sẽ tổ chức các buổi Hội thảo với chuyên môn sâu hơn để góp phần tạo nên không gian sống văn minh, hiện đại và hướng đến bản sắc văn hóa mang tính đặc trưng của Cù lao phố./.
Tin và ảnh: Huy Tùng